Mới đây, Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường.
Theo báo cáo về tình hình sản xuất, thương mại 2 tháng đầu năm vừa công bố của Bộ Công Thương cho thấy, nhóm mặt hàng năng lượng, nhiên liệu có xu hướng tăng theo xu hướng giá thế giới, riêng giá xăng trong nước tăng cao chưa từng có, tiến sát về mốc 27.000 đồng/lít.
Trước lo ngại việc giá các mặt hàng này tăng mạnh sẽ gây ra những biến động xấu đối với điều hành giá gây lạm phát và hạn chế hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh trong quá trình phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã có công văn gửi Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu.
Bộ Công Thương đề nghị tính toán lại thuế đối với xăng dầu.
Trong đó nhấn mạnh tới mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (Premium) và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường.
“Điều này nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng, doanh nghiệp sử dụng xăng dầu, đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh trong quá trình phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ”, Bộ Công Thương đề xuất.
Theo tính toán, hiện 1 lít xăng đang “cõng” khoảng 10.000 đồng tiền thuế các loại.
Trong đó, thuế bảo vệ môi trường được quy định đối với mặt hàng xăng là 4.000 đồng/lít, dầu diesel, dầu mazut và mỡ nhờn là 2.000 đồng/lít. Đối với các mặt hàng xăng sinh học như E5, E10 chỉ tính thuế bảo vệ môi trường đối với lượng xăng gốc hóa thạch kết cầu trong xăng sinh học. Mức thuế này đều được quy định “cứng” trong công thức tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu.
Bộ Tài chính cho biết, tỷ trọng thuế đối với xăng hiện chiếm khoảng 38% và đối với dầu khoảng 20%. Ngoài ra trong giá bán xăng dầu còn có khoản chi phí vận chuyển, lợi nhuận định mức chiếm khoảng 5-8% mức giá cơ sở.
Trước thực trạng giá xăng tăng cao, Bộ Tài chính cũng có văn bản gửi các Bộ, ngành và địa phương lấy ý kiến đề xuất về việc sửa đổi 6 luật thuế, trong đó có thuế bảo vệ môi trường.
Dự kiến giảm thuế 1.000 đồng trên mỗi lít xăng
Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay).
Dự án Nghị quyết này được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Các ý kiến góp ý gửi về Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính trước 4/3.
Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn 500 đồng đến 1.000 đồng so với mức kịch khung đang áp dụng. Chính sách giảm thuế dự kiến có hiệu lực đến hết năm nay.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng mỗi lít với xăng (trừ etanol), tức từ 4.000 đồng xuống còn 3.000 đồng.
Thuế bảo vệ môi trường với dầu diesel, mazut, dầu nhờn dự kiến giảm 500 đồng mỗi lít, từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng mỗi lít. Dầu hỏa giảm 500 đồng, từ 1.000 đồng xuống 500 đồng một lít. Mỡ nhờn giảm 500 đồng mỗi kg, từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng một kg.
Nhiên liệu bay được giữ như mức hiện hành, được giảm 1.500 đồng mỗi lít theo Nghị quyết số 13/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhu cầu phục hồi kinh tế đang đẩy giá lên cao
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh “khó nhất là vấn đề giá xăng dầu”, các ý kiến đề xuất một số giải pháp quan trọng về quản lý giá và bảo đảm nguồn cung trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng liên tục ở mức cao. Đồng thời, quản lý thị trường ngăn chặn tình trạng găm hàng; kết nối cung cầu, lưu thông, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá…
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định, hàng hóa, dịch vụ, nguyên vật liệu đầu vào có chiều hướng tăng cao do các nước phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng rất cao, kéo theo tăng giá năng lượng. Ngày 24/2, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã vượt mốc 100 USD/1 thùng. Giá các mặt hàng thành phẩm xăng dầu chỉ trong vòng hơn 1 tháng (từ 11/1 đến 21/2) đã tăng từ 15,45 – 20,88%.
Tuy vậy, giá các mặt hàng xăng dầu trong nước chỉ tăng từ 9,59- 14,04%, cho thấy điều hành giá linh hoạt, giá tăng ở mức độ “chịu đựng được”, thấp hơn các nước trong khu vực.
Nguồn tin: Kinh tế môi trường
Trả lời