Chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất giảm thuế, phí trên mỗi lít xăng và đổi cơ chế vận hành Quỹ bình ổn giá để “hạ nhiệt” giá mặt hàng này.
Sau đợt điều chỉnh chiều 21/2, giá trong nước đã vượt 26.000 đồng một lít với xăng RON95, lên 26.280 đồng, vượt mức “đỉnh” vào tháng 7/2014 (26.140 đồng một lít). Trong khi đó, giá xăng E5 RON92 chỉ thấp hơn mức “đỉnh” này hơn 100 đồng một lít.
Giá xăng trong nước điều chỉnh, theo Liên bộ Công Thương – Tài chính, do giá dầu trên thị trường thế giới 10 ngày qua vẫn đi lên theo căng thẳng giữa Nga – Ukraine và khan hiếm nguồn cung.
Để giảm bớt căng thẳng về giá và nguồn cung, các doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh linh hoạt giá và tính toán giảm bớt tỷ trọng thuế, phí trong mỗi lít xăng, dầu.
Hiện giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng gồm giá CIF (giá giao tại cảng dỡ hàng của người mua, gồm chi phí, bảo hiểm, cước tàu) và các loại thuế, phí. Trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu hiện nay, mỗi lít xăng, dầu “cõng” các loại thuế, như thuế tiêu thụ đặc biệt (xăng RON 95 là 10%, E5 RON 92 là 8%, không thu thuế với các loại dầu); thuế nhập khẩu 8%, thuế bảo vệ môi trường (3.800 – 4.000 đồng với xăng; 2.000 đồng một lít với dầu); thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%.
Ngoài ra, giá bán lẻ còn có khoản lợi nhuận định mức 300 đồng mỗi lít xăng, dầu và chi phí định mức 1.050-1.250 đồng một lít xăng; 600-950 đồng một lít, kg tuỳ loại dầu.
Ước tính, bình quân mỗi lít xăng, thuế, phí hiện chiếm khoảng 42-43%; còn dầu 21-27%.
Nhân viên điều chỉnh giá tại cây xăng trên đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp, chiều 21/2. Ảnh: Đình Vui
Theo Bộ Tài chính, so với nhiều nước, tỷ trọng thuế trong giá xăng dầu bán ra vẫn “thấp hơn mức bình quân chung”. Tỷ trọng này ở các nước khoảng 45-60% (trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn có tỷ trọng thấp hơn). Trong khi đó, tỷ trọng này với giá bán lẻ trong nước là 38% với xăng, 20% với dầu. Ngoài ra, trong giá bán xăng dầu còn có khoản chi phí vận chuyển, lợi nhuận định mức… nhưng các khoản này cũng chỉ chiếm 5-8% giá cơ sở xăng dầu.
Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, việc cân đối lại các loại thuế, phí thông qua giảm tỷ trọng trong mỗi lít xăng, dầu cần được nhà điều hành tính toán.
Theo ông, liên Bộ có thể đề xuất giảm tỷ lệ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, hoặc dầu trong thời gian ngắn để hỗ trợ giá trong nước. Một số quốc gia cũng đã áp dụng cơ chế này để giảm nhiệt mặt bằng giá trong nước.
Chẳng hạn, tại Thái Lan, Chính phủ nước này quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel trong 3 tháng, về mức 3 baht một lít (tương đương mức giảm 2,99 baht mỗi lít dầu, tức khoảng 50%). Việc này nhằm giảm mức ảnh hưởng giá dầu đang ở “đỉnh” với hàng hoá tiêu dùng, vận tải. Chính phủ nước này ước tính, việc giảm gần 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel khiến doanh thu thuế giảm 17 tỷ baht.
Ngoài giảm gần một nửa thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel, Chính phủ Thái Lan cũng sử dụng Quỹ Dầu để bình ổn mặt hàng này, ở mức 30 Baht một lít.
Đồng tình, ông Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nói, việc giảm thuế, phí để “kìm” đà tăng của giá xăng dầu có thể thực hiện được. Loại thuế mà ông Long nhắc tới có thể cân nhắc giảm là thuế bảo vệ môi trường, hiện”thu cứng” 3.800 đồng một lít với xăng E5 RON92 và 4.000 đồng mỗi lít RON95, còn dầu diesel là 2.000 đồng một lít.
Tuy nhiên, TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính lưu ý cần cân nhắc việc giảm thuế.
“Nếu giảm tỷ trọng thuế, phí, giá bán lẻ xăng dầu trong nước thấp hơn các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, có thể dẫn tới hiện tượng xuất lậu xăng dầu qua biên giới”, ông Thịnh nói.
Thực tế, nhiều năm nay Bộ Công Thương đã kiến nghị giảm thuế phí với xăng dầu, như giảm thuế bảo vệ môi trường cho xăng E5 RON92. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn chưa đồng thuận vì nguồn thu từ thuế phí xăng dầu đóng góp lớn cho ngân sách.
Về kiến nghị của đoàn đại biểu Hà Nội về cân nhắc giảm thuế, phí xăng dầu mới đây, Bộ Tài chính trả lời, việc sử dụng thuế bảo vệ môi trường với mục tiêu bình ổn giá không phù hợp với bản chất của sắc thuế này, vì đây là công cụ nhằm vào các sản phẩm gây tác động xấu với môi trường khi sử dụng.
Gợi ý khác, theo các doanh nghiệp, là nên xem lại công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Đến 21/2, nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã ghi nhận mức âm Quỹ bình ổn, như Petrolimex âm 110 tỷ đồng, PVOil âm hơn 770 tỷ đồng… Quỹ bình ổn tại nhiều doanh nghiệp đầu mối lớn âm khiến tổng quỹ chung không còn nhiều dư địa bình ổn giá.
Giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội chỉ ra rằng, bản chất của Quỹ bình ổn là lấy tiền từ túi của người dân khi mua mỗi lít xăng để đưa vào quỹ. Do đó, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chỉ là đại diện giữ số tiền trên.
Khi thị trường ổn định, giá xăng thấp hoặc giảm, Quỹ bình ổn dương thì không ảnh hưởng nhưng khi thị trường biến động, quỹ âm, doanh nghiệp phải tự ứng vốn, vay tiền ngân hàng để bù quỹ. Lúc này, họ vừa chịu lỗ, vừa chịu lãi ngân hàng khiến doanh nghiệp lâm cảnh lỗ nặng.
Thay vì để Quỹ bình ổn, ông cho rằng Nhà nước nên sử dụng các công cụ khác là thuế, phí hoặc điều hành theo định mức cho doanh nghiệp. Tức là, nhà chức trách đưa ra quy định tỷ lệ lãi/lỗ bao nhiêu phần trăm thì doanh nghiệp được điều chỉnh giảm hoặc tăng giá bán lẻ, chứ không nhất thiết phải 10 ngày mới điều chỉnh giá bán.
TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng nên xem xét lại việc sử dụng và sự tồn tại của Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Dù vậy, ở góc độ cơ quan điều hành, lãnh đạo Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nói “vẫn cần sự điều tiết của cơ quan quản lý và các công cụ bình ổn giá để kiểm soát lạm phát, ổn định các cân đối vĩ mô”. Các kỳ điều hành vừa qua, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu 200-400 đồng một lít. Tại kỳ điều hành ngày 21/2, cơ quan quản lý đã giảm mức trích lập và sử dụng Quỹ bình ổn với xăng RON95, tăng chi quỹ với xăng E5 RON92 và duy trì chi sử dụng từ quỹ với mặt hàng dầu diesel.
Tương tự, Bộ Tài chính cũng cho rằng việc sử dụng Quỹ bình ổn vừa qua “linh hoạt, hiệu quả, giúp điều hành giá xăng dầu trong nước tăng, giảm ở mức độ phù hợp, không xảy ra tình trạng đột biến về giá”.
Cơ quan này lập luận, giá xăng dầu đang thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Năm 2021, Quỹ bình ổn giá gần như liên tục được sử dụng để giữ ổn định hoặc hạn chế tăng giá, góp phần bình ổn giá, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Ngoài việc điều hành của cơ quan quản lý, về lâu dài, ông Ngô Trí Long gợi ý, doanh nghiệp nên chủ động nguồn hàng và sử dụng các công cụ bảo hiểm giá để tránh cú sốc về giá.
Ông phân tích, nhiều doanh nghiệp xăng dầu trên thế giới đã sử dụng bảo hiểm giá bằng các hợp đồng kỳ hạn ở vùng giá 65-70 USD một thùng. Tức là nếu giá dầu tăng lên sát 100 USD một thùng hay cao hơn, giá đầu vào của các doanh nghiệp này sẽ vẫn ở mức 65-70 USD một thùng theo giá khớp trên sở giao dịch. Doanh nghiệp duy trì được lợi nhuận dù giá lên hay xuống. Hiện, Việt Nam đã có Sở giao dịch hàng hóa với đầy đủ các công cụ, liên thông với các sàn giao dịch quốc tế.
“Bảo hiểm giá gần như là nghiệp vụ bắt buộc với các doanh nghiệp quốc tế. Công cụ này đã được các nước áp dụng nhiều năm qua. Cơ chế bảo hiểm giá cho doanh nghiệp xăng dầu sẽ tránh những cú sốc về giá”, ông Long nói với VnExpress.
Công cụ này còn khá mới ở Việt Nam và vẫn cần thời gian để doanh nghiệp làm quen. Còn lúc này với đà tăng của giá thế giới hiện nay, sau điều chỉnh giá hôm nay, giá xăng (nhất là RON95) trong nước đã lập “đỉnh” mới.
Nguồn tin: vnExpress
Trả lời