Điều hành giá không còn giảm chậm, tăng sốc

 Với mức tăng trưởng GDP 6,21%, lạm phát 4,47% đạt được trong năm 2016, công tác điều hành giá được xem là thành công khi chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn mục tiêu kế hoạch đặt ra là dưới 5%
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đánh giá dấu ấn của công tác điều hành giá năm 2016 là Chính phủ vẫn kiềm chế được lạm phát ở mức dưới 5% trong khi phải đồng loạt điều chỉnh giá nhiều dịch vụ công như giáo dục, y tế tiệm cận giá thị trường và thường xuyên phải điều chỉnh giá xăng dầu theo biến động của giá thế giới. Năm 2016, giá y tế được điều chỉnh ở 36 tỉnh – thành, còn giá xăng dầu biến động mạnh với 11 lần tăng, 10 lần giảm.

Nhiều mặt hàng tiến sát giá thị trường

PGS-TS Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính – Bộ Tài chính, nhận định trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi, trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp thì đạt được kết quả này là một thành công, khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của các biện pháp, giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện.

“Cách điều hành giá năm qua đã mềm mại hơn với những giải pháp cụ thể giảm áp lực tăng giá đột biến, không còn giảm chậm, tăng sốc. Đặc biệt là kết nối cung cầu hàng hóa của các địa phương được tốt hơn, làm cho giá cả lương thực – thực phẩm, hàng tiêu dùng đỡ có những giật cục, gây tâm lý xã hội không được tốt” – ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhận xét.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng mặc dù sức mua đã được cải thiện trong năm qua nhưng mức tăng vẫn chậm, cầu trong nước tuy phục hồi nhưng chưa cao, người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu sau các năm suy giảm kinh tế. “Chỉ số giá (CPI) nông thôn tăng 4,55%, CPI khu vực thành thị chỉ tăng 4,44%, thấp hơn khu vực nông thôn. Điều này cho thấy mặc dù thu nhập của người dân nông thôn thấp hơn thành thị song CPI lại cao hơn, làm cho thu nhập thực tế của người dân nông thôn giảm hơn so với khu vực thành thị, đời sống của nông dân vốn đã khó khăn hơn thành thị nay lại tăng thêm” – GS-TS Ngô Trí Long lưu ý.

Chuyên gia Nguyễn Thị Hiền nhận định trong cơ cấu tiêu dùng của người dân, tỉ trọng chi tiêu cho lương thực – thực phẩm đã giảm trong khi mức chi cho dịch vụ có xu hướng ngày càng tăng. Giá dịch vụ ảnh hưởng đến đời sống của nhiều tầng lớp dân cư. Do đó cần siết chặt việc quản lý giá dịch vụ đi đôi với thực hiện nghiêm túc quy định về đăng ký giá, niêm yết giá trong Luật Giá.

Công tác điều hành giá năm 2016 đã mềm mại hơn, không còn giảm chậm, tăng sốc


Nhiều sức ép cho năm 2017

Trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2017, Quốc hội đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 4%, thấp hơn so với năm 2016. Nhiều ý kiến cho rằng để đạt mục tiêu này là một thách thức trong công tác điều hành, cần có sự chỉ đạo sát sao, phối hợp tốt, chủ động giữa các bộ ngành chức năng.

Bộ Tài chính nhận định công tác quản lý điều hành giá trong năm 2017 dự báo sẽ gặp nhiều thách thức hơn do có nhiều yếu tố dự báo gây sức ép lên mặt bằng giá. Đó là giá hàng hóa và giá xăng dầu thế giới dự báo có khả năng tiếp tục tăng trong năm 2017, đồng USD cũng có xu hướng tăng. Trong khi đó ở trong nước, áp lực từ việc tăng lương cơ sở 7,4% lên 1,3 triệu đồng/tháng có hiệu lực từ ngày 1-7-2017; lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp tăng từ 6,7%-7,5% ngay từ đầu năm 2017. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng như y tế, giáo dục, nước sinh hoạt… Ngoài ra, các nhóm dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo Luật Phí và lệ phí nếu tính đúng, tính đủ chi phí đối với một số dịch vụ không được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá.

Theo TS Nguyễn Ngọc Tuyến (Học viện Tài chính), yếu tố tác động tới giá cả, thị trường lớn nhất năm 2017 sẽ là tỉ giá và giá cả một số sản phẩm, dịch vụ do nhà nước quản lý. “Nếu dịch vụ y tế và giáo dục chỉ điều chỉnh tăng như mức tăng của năm 2016 thì CPI sẽ tăng trong khoảng 5%; còn nếu giá dịch vụ y tế và giáo dục giữ như năm 2016 (không điều chỉnh tăng) thì CPI sẽ vào khoảng 3%” – TS Nguyễn Ngọc Tuyến phân tích.

Nguồn tin: thitruong.nld

 

Tin tức xăng dầu | Tin chiết khấu giá xăng dầu  Tin mua, bán, sang nhượng, cho thuê  | Tư vấn thủ tục thành lập cửa hàng xăng dầu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Từ ngày 2/1/2022, những yếu tố nào cấu thành giá xăng dầu?

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu, có hiệu lực từ ngày 02/1/2022.
Thông tư quy định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu được xây dựng căn cứ theo q..

Bán xăng chính xác đến 0,01 lít, người Nhật sẽ thay đổi thị trường Việt

Mở cửa hàng đầu tiên bán xăng chính xác đến 0,01 lít, Idemitsu Q8 từ Nhật Bản đánh dấu chấm trên một hành trình vẽ lại bản đồ xăng dầu và những đại gia như Petrolimex với 2.70..

Việc xăng gánh 8.000 đồng thuế môi trường chưa trình Chính phủ xem xét

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết việc Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung mức thuế BVMT đối với xăng là từ 3.000 – 8.000 đồng/lít chưa trình Chính phủ xem xét, thảo luận vấn đề này.
Theo qu..

Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ chạm mức “đỉnh” kể từ năm 2015

Giá dầu Mỹ tăng chạm mức cao nhất kể từ năm 2015 trong phiên 9/1 trên thị trường châu Á.
Nguyên nhân là do các nhà đầu cơ đặt cược giá dầu sẽ tiếp tục tăng giữa bối cảnh Tổ chức..