Bất chấp câu chuyện giữa Nga và EU diễn ra theo chiều hướng nào, giá dầu sẽ vẫn neo ở vùng giá cao trong thời gian tới.
Với diễn biến tăng của giá dầu thế giới hiện nay, giá xăng dầu trong nước sẽ khó tránh khỏi tác động. Theo nhận định của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tại kỳ điều hành hôm nay (1-6), giá xăng dầu trong nước có thể sẽ được điều chỉnh tăng, đưa giá xăng vượt mốc 31.000 đồng/lít.
Ghi nhận vào chiều qua, giá dầu WTI trên sở NYMEX (Sàn giao dịch hàng hóa New York) tăng mạnh 3,7% lên trên 119 USD/thùng và dầu Brent trên sở ICE (Sàn giao dịch liên lục địa) tăng 1,9% lên mức 124 USD/thùng.
Giá dầu thế giới đang hướng đến mức đỉnh trong năm 2022, đạt được vào đầu tháng 3 năm nay, sau khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra. So với giai đoạn đầu năm 2022, giá dầu thế giới đã tăng gần 70%.
Trao đổi với PLO, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm tin tức, Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam cho biết: “Giá dầu đang có ba phiên tăng liên tiếp, chủ yếu do tâm lý thị trường chờ đợi liên minh châu Âu (EU) sẽ tiến hành cấm vận dầu của Nga. Trên thực tế 27 nước thành viên EU đã thông qua lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga qua đường biển vào sáng nay 31-5.
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 tiến triển tích cực hơn ở Trung Quốc đã giúp Thượng Hải dần dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa và có kế hoạch sẽ quay trở lại trạng thái bình thường kể từ đầu tháng 6 này.
Điều này vừa giúp triển vọng phát triển kinh tế của Trung Quốc tích cực hơn, vừa làm gia tăng nhu cầu sử dụng nhiên liệu và năng lượng tại nước này.
Còn tại Mỹ, mùa cao điểm di chuyển đã bắt đầu vào cuối tháng 5 và dự báo sẽ tiếp tục làm gia tăng lượng sử dụng nhiên liệu trong thời gian tới.
“Trong tháng 6 này, thông tin tác động mạnh nhất lên giá dầu có lẽ là chi tiết về lệnh cấm mà EU sẽ áp đặt lên dầu của Nga, cùng với các động thái đáp trả của Nga sau lệnh cấm này.
Nếu xảy ra bất kỳ một sự căng thẳng nào ở mức độ nghiêm trọng, giá dầu có thể sẽ vượt đỉnh từ đầu năm và không loại trừ khả năng sẽ lên mức cao nhất mọi thời đại” – ông Quang Anh nhận định.
Trong khi đó, cuộc họp của nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh, gọi tắt là OPEC sẽ diễn ra vào ngày mai (2-6), về lý thuyết sẽ không mang lại nhiều biến động bất thường đối với giá dầu.
Bởi cả giới phân tích và các quan chức của OPEC đều cho biết nhóm này sẽ giữ nguyên chính sách tăng sản lượng thêm 432.000 thùng/ngày kể từ tháng 7. Đây là mức tăng thấp hơn so với kỳ vọng và không giải quyết được tình trạng thiếu hụt nguồn cung hiện nay.
“Vì thế, bất chấp câu chuyện giữa Nga và EU diễn ra theo chiều hướng nào, giá dầu sẽ vẫn neo ở vùng giá cao trong thời gian tới” – Giám đốc Trung tâm tin tức của MXV cho biết.
Nguồn tin: Pháp luật
Trả lời