Dầu WTI vẫn duy trì đà tăng lên hơn 90 USD/thùng trong khi giá dầu Brent ngày 11-2 giảm nhẹ.
Giá xăng dầu thế giới
Theo oilprice, lúc 6 giờ 20 phút ngày 11-2 (giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 3 được giao dịch ở mức tăng 0,20 USD, tương đương 0,22% lên 90,08 USD/thùng.
Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 3 ổn định ở mức 91,41 USD/thùng, giảm 14 cent.
Giá dầu lại tăng-giảm trái chiều. Ảnh minh họa: Oilprice |
Reuters đưa tin, giá dầu ngày 10-2 không có nhiều biến động khi các thị trường cân nhắc khả năng tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ở mức không lường trước được để đối phó với nhu cầu năng lượng đang tăng mạnh hơn.
Sau khi tăng hơn 1% trong đầu phiên giao dịch, giá dầu Brent giao tháng 3 đã giảm 14 cent xuống mức 91,41 USD/thùng. Dầu thô WTI dẫu “tích lũy” hơn 2 USD trong ngày nhưng đã “dè dặt” kết thúc phiên với mức tăng 22 cent, tương đương 0,3%, lên 89,88 USD/thùng.
Sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố vào ngày 10-2 ở mức nóng nhất trong 40 năm, Chủ tịch James Bullard của Ngân hàng Dự trữ liên bang St. Louis cho biết ông muốn có một điểm phần trăm đầy đủ của việc tăng lãi suất vào ngày 1-7.
Hợp đồng tương lai lãi suất cho thấy 60% khả năng tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 3 sau những bình luận của Bullard và thị trường chứng khoán Mỹ giảm.
Đồng bạc xanh đã từ bỏ một số khoản lỗ trước đó. Đồng bạc xanh mạnh hơn khiến giá dầu và các mặt hàng khác trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Scott Shelton, chuyên gia năng lượng của United ICAP cho biết, “giá cả đang bị nhầm lẫn giữa những gì có vẻ là thống kê hàng tồn kho và các dấu hiệu cho thấy Fed sẽ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến trong năm nay”.
Ngày 10-2, giá dầu tăng sau khi thị trường tiếp nhận thông tin tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm trong tuần trước xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10-2018, trong khi nhu cầu nhiên liệu đạt mức cao kỷ lục.
Giá dầu đã “lội ngược dòng” sau khi “trượt dốc” bởi tác động của việc nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân gián tiếp giữa Mỹ và Iran một ngày trước đó. Một thỏa thuận đạt được trong các cuộc đàm phán này có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dầu Iran, điều này cũng đồng nghĩa với việc Iran sẽ “tiếp dầu” cho thị trường, giúp “hạ nhiệt” giá dầu đang “nóng” bởi nguồn cung eo hẹp.
OPEC cho biết nhu cầu dầu thế giới có thể còn tăng mạnh hơn trong năm nay. Ảnh: Oilprice |
Đầu tuần, giá dầu đã xác lập “đỉnh” mới trong vòng 7 năm qua do lo ngại căng thẳng địa chính trị leo thang và nhu cầu phục hồi mạnh mẽ khiến lượng tồn kho tại các trung tâm nhiên liệu trên toàn cầu đạt mức thấp nhất trong nhiều năm.
Theo Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ, nguồn cung dầu thô ít, trữ lượng thấp và sản lượng toàn cầu gần đạt mức tối đa đang đẩy giá dầu tăng.
Ngày 10-2, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết nhu cầu dầu thế giới có thể còn tăng mạnh hơn trong năm nay khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 11-2 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 23.595 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 24.360 đồng/lít; dầu diesel không quá 18.903 đồng/lít; dầu hỏa không quá 17.793 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.993 đồng/kg.
Dự báo trong kỳ điều hành giá hôm nay 11-2, giá xăng dầu trong nước sẽ tăng mạnh theo đà tăng “sốc” vừa qua của giá xăng dầu thế giới.
Theo các doanh nghiệp đầu mối, mỗi lít xăng sẽ tăng hơn 1.000 đồng bởi giá nhập vào liên tục “leo dốc” thời gian qua. Giá dầu có thể sẽ tăng quanh mức 800-900 đồng/lít.
Nếu đúng như dự đoán, thì đây sẽ là lần tăng giá thứ 4 liên tiếp của xăng dầu trong nước.
Nguồn tin: Quân đội nhân dân
Trả lời