Phương án cổ phần hóa Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã được trình lên Thủ tướng ngày 10-11-2017. So với phương án được PV Oil chào công khai cho các nhà đầu tư chiến lược hồi cuối năm 2016, phương án mới này phát sinh yêu cầu khá nghịch lý.
Nhà nước “ở lại” điều hành công ty cổ phần như thế nào?
Một trong năm lĩnh vực hoạt động chính của PV Oil là chế biến phân phối nhiên liệu sinh học (ethanol, xăng sinh học). Ảnh: HẢI NGUYỄN.
Phương án cổ phần hóa PV Oil cuối cùng đã được tập đoàn Dầu khí (PVN) và Bộ Công Thương hoàn thiện, trình Thủ tướng, sau hai năm chuẩn bị và dời đi dời lại nhiều lần. Theo đó, PV Oil sẽ bán 65% số cổ phần (trong đó 20% số cổ phần chào bán công khai và 44,7% bán cho nhà đầu tư chiến lược). Nhà đầu tư ngoại được mua tối đa 49% tổng số cổ phần bán ra và tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp dự kiến sẽ chỉ còn lại 35%.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị Thủ tướng sớm phê duyệt phương án cổ phần hóa này, đồng thời đề nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận thời gian hoàn thành việc IPO trong vòng ba tháng kể từ ngày phê duyệt phương án.
Nếu so với phương án được PV Oil chào công khai hồi cuối năm 2016 thì phương án được trình Thủ tướng có quá nhiều thay đổi về tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược. Phương án cuối năm 2016 chỉ đưa ra quy định duy nhất là nhà đầu tư chiến lược có năng lực tài chính (vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỉ đồng tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký). Với phương án mới này, nhà đầu tư chiến lược không chỉ phải có vốn chủ sở hữu 2.000 tỉ đồng (tức tăng gấp đôi), mà còn phải “cam kết để PV Oil tham gia tiêu thụ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn nhằm đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ bao tiêu sản phẩm Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn của PVN trong 10 năm”. Bộ Công Thương nói rằng để đảm bảo tính thị trường trong hoạt động của PV Oil sau CPH, giá mua bán sản phẩm sẽ được tính theo giá thị trường.
Tiêu chí mới này đặt nhà đầu tư chiến lược vào một tình thế chưa từng có, nhất là khi cổ đông chiến lược nước ngoài có thể chiếm tối đa đến 49% số cổ phần tại PV Oil. Tại sao khi vốn nhà nước không còn chi phối tại công ty cổ phần, các cổ đông nội và ngoại lại phải thay Chính phủ và PVN thực hiện cam kết bao tiêu sản phẩm cho một công ty cổ phần khác (Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ được cổ phần hóa trong quí 1-2018) và Công ty TNHH Nghi Sơn?
Việc bán cổ phần của PV Oil chắc chắn sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vì PV Oil là doanh nghiệp độc quyền trong lĩnh vực xuất khẩu dầu thô của Việt Nam, chế biến các sản phẩm xăng dầu và hiện chiếm 21% thị phần phân phối xăng dầu trên cả nước. Việc Bộ Công Thương đề xuất bán 65% vốn nhà nước tại doanh nghiệp này, trong đó đề xuất room cho nhà đầu tư ngoại lên đến 49% sẽ khiến các nhà đầu tư lớn hào hứng vì cơ hội tham gia mở rộng thị phần phân phối, bán lẻ, bên cạnh việc tham gia vào chuỗi độc quyền xuất khẩu dầu thô.
Với tiêu chí “bao tiêu sản phẩm” này, sự can thiệp của Nhà nước vào PV Oil đang đi ngược lại sự kỳ vọng của các nhà đầu tư.
PVN từng từ chối Nghi Sơn, nay lại đặt điều kiện bao tiêu cho NĐTCL
Cho dù việc “bao tiêu sản phẩm” cho Bình Sơn và Nghi Sơn là theo giá thị trường thì quy định bắt buộc này cũng là phi thị trường. Thứ nhất là khi PV Oil hoàn tất cổ phần hóa, mọi quyết định của doanh nghiệp sẽ thông qua đại hội đồng cổ đông. Đồng thời, kể cả khi giá bán xăng dầu của Bình Sơn hay Nghi Sơn là theo thị trường nhưng điều kiện bán không hấp dẫn bằng nguồn bên ngoài thì PV Oil vẫn bắt buộc phải mua của hai doanh nghiệp nêu trên hay sao? Mặt khác, Bình Sơn sắp tới cũng cổ phần hóa, quy định nào cho phép Chính phủ can thiệp sâu và cùng lúc vào việc điều hành sản xuất kinh doanh của hai công ty cổ phần (PV Oil và Bình Sơn), thay vì để hai công ty này điều hành sản xuất kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp và cơ chế thị trường?
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí cách đây vài tháng được PV Oil đăng tải trên trang web của mình, Tổng giám đốc PV Oil Cao Hoài Dương thừa nhận quy định về việc bao tiêu phân phối xăng dầu cho Nghi Sơn là điểm trừ trong quá trình cổ phần hóa PV Oil vì giá thành xuất bán của Nghi Sơn (sau khi đã cộng các ưu đãi về thuế nhập khẩu cho dự án) cao hơn giá bán của nhiều nguồn nhập khẩu khác, làm giảm lợi nhuận của nhà phân phối. Việc bán xăng dầu Nghi Sơn chỉ có lợi khi thị trường khan hiếm. Tuy nhiên, hiện nay các ưu đãi thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do ngày càng làm cho thị trường phân phối xăng dầu mở cửa hơn. Trường hợp khan hiếm hàng để phải mua xăng dầu của Nghi Sơn và Bình Sơn là khó xảy ra.
Còn nhớ tháng 9-2015 và tháng 2-2016, PVN và Bộ Công Thương đồng loạt gửi văn bản lên Thủ tướng báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm Nhà máy Nghi Sơn (gọi tắt là FPOA). Theo đó, PVN muốn từ chối “bao tiêu sản phẩm” của Nghi Sơn vì hai lý do.
Thứ nhất, khi Nghi Sơn đi vào hoạt động từ năm 2018 thì xăng dầu tiêu thụ trong nước phải đáp ứng Quyết định 49/2011 về lộ trình khí thải, chỉ những xăng dầu đủ tiêu chuẩn mức 4 (euro 4) và sau 2020 là euro 5 mới đủ điều kiện lưu hành. Song, Nghi Sơn đã khẳng định phải đến năm 2021 mới đáp ứng được những tiêu chuẩn này. Do đó PVN đã muốn đàm phán lại với Nghi Sơn về nghĩa vụ bao tiêu theo FPOA hoặc phải bổ sung các điều kiện cụ thể khác nếu PVN tiếp tục bao tiêu. Nay, Nghi Sơn vẫn chưa thể đáp ứng các điều kiện nêu trên nhưng PVN đã “chuyển” nghĩa vụ bao tiêu cho PV Oil sau cổ phần hóa mà không rõ điều kiện đi kèm.
Thứ hai, PVN muốn từ chối bao tiêu xăng dầu Nghi Sơn vì thị trường xăng dầu Việt Nam giờ đã cạnh tranh hơn bởi nhiều nguồn nhập, nhất là các nguồn nhập từ Hàn Quốc, ASEAN theo các form ưu đãi D/E/AK (tùy từng hiệp định thương mại) với mức thuế nhập khẩu giảm mạnh. Điều này khiến cho xăng dầu của Nghi Sơn khi bán ra (áp mức giá bán buôn là giá nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu 7%, 5% và 3% tùy theo sản phẩm) đắt hơn xăng dầu nhập khẩu. Cho dù là PV Oil sẽ bao tiêu xăng dầu Nghi Sơn theo giá thị trường thì phần chênh lệch thuế nhập khẩu mà Nhà nước phải bù cho Nghi Sơn theo hợp đồng FPOA sẽ được giải quyết ra sao? Theo hợp đồng FPOA, trong 10 năm mà PVN thực hiện bao tiêu, nếu thuế suất thuế nhập khẩu thấp hơn mức 7% (là mức ngân sách “để lại” cho Nghi Sơn) thì Nhà nước – qua PVN – sẽ bù lỗ cho Nghi Sơn. Số tiền PVN dự tính bù lỗ cho Nghi Sơn trong 10 năm lên đến hàng ngàn tỉ đồng chưa có lời giải. Vậy sau cổ phần hóa PV Oil, PVN có cam kết thanh toán nếu phải bù lỗ? Và khi chuyện này đến thì cơ chế nào cho phép dùng ngân sách nhà nước để bù lỗ cho Nghi Sơn qua công ty cổ phần như PV Oil?
Nhắc lại những cái khó trong việc bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn hay Bình Sơn để cho thấy sự “chống lưng” của Nhà nước vào các dự án lọc dầu bằng các chính sách ưu đãi, bao tiêu còn để lại hệ lụy kéo dài. Và nếu số lượng cổ phần bán ra của PV Oil có lớn gấp nhiều lần doanh nghiệp khác nhưng gặp phải những yêu cầu “bao tiêu sản phẩm” cho các dự án kiểu trên thì các nhà đầu tư sẽ phải “nâng lên đặt xuống” rất kỹ trước khi móc hầu bao.
Nguồn tin: thesaigontime.vn
Trả lời