Bộ trưởng Công Thương vừa ký quyết định xác định giá trị Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) 3,2 tỷ USD để cổ phần hóa. Với mức giá này, BSR trở thành doanh nghiệp sở hữu vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa.
Công ty BSR là đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 3 tỷ USD (khoảng 40.000 tỷ đồng). Nhà máy chiếm diện tích khoảng 810ha, thuộc Khu kinh tế Dung Quất, địa phận xã Bình Thuận và Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Kể từ khi Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động đến hết tháng 5/2017, sản lượng sản xuất luỹ kế của BSR đạt khoảng 47 triệu tấn với tổng doanh thu gần 40 tỷ USD. Công ty cho biết đã nộp ngân sách nhà nước trên 7 tỷ USD, gấp đôi mức tổng vốn đầu tư (3 tỷ USD).
Cho dù giá dầu biến động nhưng BSR cho hay công ty vẫn giữ vững hoạt động có hiệu quả với tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu rất cao qua các năm như năm 2015 là 21% với lợi nhuận sau thuế là 6.000 tỷ đồng và năm 2016 là 14% (lợi nhuận sau thuế là 5.000 tỷ đồng). BSR cho rằng “đây chính là những tín hiệu lạc quan để BSR tự tin cổ phần hóa thành công”.
Câu chuyện IPO kéo dài nhiều năm
Câu chuyện cổ phần hóa của BSR không phải là mới mà đã kéo dài nhiều năm.
Từ năm 2010, Chính phủ đã có chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư, đối tác nước ngoài mua cổ phần của BSR nhằm thu hồi lại một phần vốn của Nhà nước để phục vụ cho các dự án, đặc biệt là dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. BSR đã làm việc với nhiều đối tác nước ngoài nhưng không có kết quả do quan điểm khác biệt với nhau.
Đến năm 2015, Thủ tướng yêu cầu PVN thực hiện cổ phần hóa BSR và chỉ giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ. Đồng thời, dự án nâng cấp mở rộng Lọc dầu Dung Quất (nâng công suất từ 6,5 triệu tấn/năm lên 8,5 triệu tấn/năm) đã bắt đầu tiến hành công tác thiết kế và BSR đã đẩy mạnh công tác cổ phần hóa. Hội đồng Thành viên PVN đã ra quyết định về việc cổ phần hóa BSR vào ngày 06/11/2015 và mục tiêu hết năm 2017 phải thực hiện xong.
Tại thời điểm đó, Tập đoàn Gazprom Neft (Nga) dự định tham gia vào Lọc dầu Dung Quất nhưng đã chính thức dừng đàm phán mua 49% vốn BSR do không thỏa mãn với các điều kiện mà phía Việt Nam đề xuất.
Lộ trình cổ phần hóa của BSR tiếp tục theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 và tỷ lệ Nhà nước dự kiến nắm giữ sau khi thoái vốn là dưới 50%. BSR hiện đang thực hiện tiến trình cổ phần hóa với mục tiêu thu xếp tài chính cho các dự án đầu tư chiến lược trong tương lai.
Kinh doanh sa sút, BSR có gì hấp dẫn?
Ngày 3/5/2017, Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất – đã phát hành thư mời mua cổ phần đến 15 quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
Tiến trình cổ phần hóa Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất – nhà máy lọc dầu Việt Nam đầu tiên diễn ra trong bối cảnh giá dầu vẫn ở mức thấp, trong khi doanh thu và lợi nhuận của nhà máy ngày càng sa sút.
Năm 2016, BSR đạt doanh thu 75.184 tỷ đồng, giảm 41,6% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế 5.007 tỷ đồng, giảm hơn 21%. Đồng thời nộp ngân sách của BSR năm 2016 cũng chỉ còn đạt 12.410 tỷ đồng, giảm tới 42% so với năm trước đó.
Đáng chú ý, công ty con của BSR là Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (Bio Ethanol Dung Quất) đã phải dừng sản xuất sau 4 năm đưa vào vận hành vì kinh doanh thua lỗ, sản xuất cầm chừng, sản phẩm tiêu thụ chậm, tồn đọng.
Bio Ethanol Dung Quất có vốn điều lệ 1.252 tỷ đồng. Dự án xây dựng nhà máy được phê duyệt xây dựng năm 2009 tại Quảng Ngãi với vốn đầu tư 1.900 tỷ đồng, sau đó bị đội vốn lên 2.100 tỷ đồng. Năm 2014, nhà máy lỗ 164 tỷ đồng. Ba cổ đông sáng lập của Bio Ethanol Dung Quất bao gồm BSR với 60% vốn; Tổng công ty Dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco) góp 30%, Tổng công ty Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC) góp 10%. Tuy nhiên, sau đó các công ty này đã lần lượt thoái vốn, hiện chỉ còn BSR là cổ đông lớn nhất.
BSR cho biết để duy trì hoạt động tối thiểu, Bio Ethanol Dung Quất đã cắt giảm lao động, chỉ để lại nhân sự tối thiểu thực hiện quản lý, bảo đảm tài sản và bảo dưỡng sửa chữa.
Không chỉ nhà máy lọc dầu mà toàn bộ khu công nghiệp Dung Quất đang đang ở trong tình trạng khốn đốn. Bộ Công Thương đã phải “ưu tiên lựa chọn” phương án phá sản Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS). Sau 7 năm nhận chuyển giao từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam – Vinashin (nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam – SBIC), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đề nghị xin trả lại DQS cho SBIC, nếu không sẽ phải xin phá sản.
Doanh thu năm 2017 được BSR đặt chỉ tiêu là 62.400 tỷ đồng, giảm gần 13.000 tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2016. Lợi nhuận trước thuế 1.682 tỷ đồng cũng là con số rất kiêm tốn so với năm 2015, giảm gần 3 lần. Tương tự, nộp ngân sách năm 2017 cũng giảm mạnh còn 7.193 tỷ đồng, trong khi con số này năm 2016 vừa qua là hơn 12.410 tỷ đồng.
Trong khi kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 28 triệu USD, năm 2017 BSR dự kiến không xuất khẩu. Bên cạnh đó, năm 2017, BSR dự kiến sẽ đầu tư thêm khoảng gần 2.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, khi hoàn thành vào năm 2021, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sau mở rộng có thể đáp ứng một nửa nhu cầu nhiên liệu của Việt Nam. Hiện công suất hiện tại của nhà máy đạt 148.000 thùng/ngày, đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu trong nước.
Lãnh đạo BSR cũng từng tiết lộ sẽ tìm kiếm khoản vay 1,2 tỷ USD từ nguồn vốn nước ngoài để đầu tư cho dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất trước khi cổ phần hoá vào năm 2017. Tuy nhiên, có lẽ khoản vay này sẽ không thể đủ và nguồn tài chính chỉ có thể trông đợi vào số tiền thu được sau IPO.
Mục đích chính của IPO Lọc dầu Dung Quất là để có tài chính để thực hiện dự án mở rộng dự án nhà máy, ngoài nâng cao năng lực sản xuất quan trọng hơn là đảm bảo khả năng sản xuất các sản phẩm xăng dầu đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4.
Quyết định áp dụng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn khí thải của xăng dầu – tiêu chuẩn Euro 4 được áp dụng kể từ 1/1/2017. Theo Quyết định số 49/2011 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình khí thải, ban hành từ năm 2011, thì từ ngày 1-1-2017 sẽ áp dụng tiêu chuẩn mức 4 (tiêu chuẩn Euro 4), và sau đó là mức 5 (Euro 5) kể từ ngày 1-1-2022 cho các sản phẩm xăng, dầu sử dụng trong nước.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện nay chưa thể đáp ứng được các yêu cầu về áp dụng tiêu chuẩn Euro 4. Sau khi hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng, theo kế hoạch sẽ đi vào vận hành từ cuối năm 2021, lãnh đạo nhà máy cho rằng sản phẩm sẽ đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm mức Euro 5.
Nguồn tin: Antt.vn
Trả lời