Khí hóa lỏng là lĩnh vực mà Mỹ không cấm vận và Nga không thể bỏ qua các dự án loại này.
RT hôm 9/12 thông tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự một lễ khánh thành nhà máy sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trị giá 27 tỷ USD ở Bắc Cực.
Sự kiện diễn ra hôm 8/12 tại nhà máy sản xuất khí hóa lỏng Yamal LNG, vùng Siberia quanh năm băng tuyết ở Bắc Cực.
Nga dùng khí hóa lỏng “đấu ” lại Mỹ?
Phát biểu tại lễ khai trương tại cảng Sabetta ở bán đảo Yamal, Tổng thống Putin tuyên bố: “Đây là một ngày trọng đại đối với chúng ta. Đây là một dự án quy mô lớn đối với Nga”.
Tổng thống Nga đã chứng kiến lô khí đốt đầu tiên được chuyển lên một tàu phá băng từ nhà máy Yamal LNG. Tàu này được đặt tên theo ông Christophe de Margerie, cựu Giám đốc điều hành (CEO) của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Pháp (Total) đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn tại Moscow năm 2014.
Chủ tịch và CEO của Total, ông Patrick Pouyanne đã nhấn mạnh tới mức chi phí “đặc biệt thấp” của dự án trên. Ông nhấn mạnh đây là “một nhà máy LNG đẳng cấp thế giới trong các điều kiện khắc nghiệt để khai thác nguồn tài nguyên khí đốt mênh mông ở bán đảo Yamal”.
Dự án trên được vận hành bởi Công ty Yamal LNG thuộc sở hữu của Tập đoàn Novatek (với tỷ lệ góp vốn 50%), Tập đoàn Total của Pháp với 20% vốn, Tập đoàn CNPC của Trung Quốc (20%) và Quỹ Con đường Tơ lụa (9,9%).
Nhà máy nói trên dự kiến sẽ bắt đầu với công suất 5,5 triệu tấn/năm và tăng lên 16,5 triệu tấn/năm vào đầu năm 2019.
Nhà máy được xây dựng tại cảng Sabetta trên bán đảo Yamal, nơi có trữ lượng hydrocarbon lớn, cách Moscow khoảng 2.500 km và bị băng bao phủ hầu như cả năm, với nhiệt độ thấp nhất đến -50 độ C.
Từ khi nhà máy được khởi công xây dựng cuối năm 2013, một sân bay và một cầu cảng cũng đã được xây dựng đồng thời với các hồ chứa khí và nhà máy LNG.
Với Yamal LNG, Nga dự định sẽ tăng cường sự hiện diện của mình trên thị trường châu Á và chứng minh khả năng của mình trong việc khai thác trữ lượng khí thiên nhiên khổng lồ ở Bắc cực bất chấp những khó khăn về công nghệ.
Tính khả thi của việc vận chuyển qua Tuyến hàng hải phía Bắc vẫn chưa được nghiên cứu. Nhưng Nga vẫn hy vọng đây sẽ là tuyến đường vận chuyển dễ dàng hơn để vươn tới các thị trường có lợi cho lợi ích của Nga như ở châu Á.
Bởi tuyến đường dọc theo bờ biển phía Bắc Siberia cho phép tàu thuyền giảm bớt 15 ngày trong hành trình tới các cảng châu Á so với tuyến đường thông thường đi qua Kênh đào Suez.
Trước đó, người đứng đầu Hạm đội tàu phá băng nguyên tử Nga (Atomflot) V. Ruksha cho hay, nước này đang nghiên cứu khả năng chế tạo tàu phá băng sử dụng LNG làm nhiên liệu.
Các tàu phá băng LNG có thể được sử dụng để hoạt động ở vịnh Obi và biển Kara ngay gần cảng Sabetta và nhà máy LNG của Yamal LNG. Điều này sẽ cho phép nhanh chóng thực hiện việc tiếp liệu cho các tàu phá băng LNG và giảm đáng kể chi phí khi chúng bớt được những chuyến đi lại “ngoài nhiệm vụ”.
Nguồn tin: baodatviet.vn
Trả lời