Cuộc gặp ngày 14/6 giữa Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như cuộc đàm phán giữa Bộ trưởng năng lượng của hai nước đã đạt được kết quả quan trọng.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khaled al-Faleh (trái) và Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tại hội nghị OPEC ngày 20/4. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang mạng Al-monitor.com, một mặt, Moskva và Riyadh dường như đã thống nhất được quan điểm chung liên quan đến tương lai của thỏa thuận Vienna – thỏa thuận mà các quốc gia thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đồng ý giảm sản lượng khai thác dầu thô.
Mặt khác, Nga và Saudi Arabia tuyên bố sẵn sàng thành lập một liên minh để định hình tương lai của thị trường khí đốt và dầu mỏ toàn cầu. Đây là một tuyên bố quan trọng vì hai nước này vẫn còn nhiều khác biệt cần phải vượt qua.
Các cuộc đàm phán thời gian qua giữa Nga và Saudi gần như chắc chắn cho thấy sẽ có sự gia tăng sản lượng khai thác dầu thô của khối OPEC (OPEC và các thành viên ngoài OPEC năm 2016 đã ký thỏa thuận cắt giảm sản lượng để ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu). Moskva và Riyadh đã đạt đồng thuận về vấn đề này và nhận thức chung rằng việc phục hồi hạn ngạch sản lượng khai thác dầu thô là tất yếu.
Tại cuộc họp của OPEC vào ngày 22/6, tổ chức này đã nhất trí tăng sản lượng dầu kể từ tháng 7/2018 sau khi Saudi Arabia thuyết phục Iran hợp tác trong bối cảnh các nước tiêu thụ dầu lớn trên thế giới kêu gọi nâng sản lượng để giúp giảm giá dầu thô và tránh nguy cơ nguồn cung “vàng đen” thiếu hụt.
Theo hai nguồn tin từ OPEC, OPEC nhất trí cùng với các nước sản xuất dầu ngoài tổ chức này, trong đó có Nga, sẽ tăng sản lượng dầu thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày, tương đương 1% nguồn cung dầu thế giới, kể từ tháng 7/2018.
Mức tăng sản lượng dầu này trên thực tế sẽ thấp hơn do hoạt động sản xuất dầu sa sút tại một số nước như Iran và Venezuela trong thời gian gần đây, trong lúc các nước sản xuất khác lại không được phép bù đắp vào phần thiếu hụt đó.
Các nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã hối thúc OPEC tăng thêm nguồn cung để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt dầu, có thể sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới.
Nga và Saudi Arabia đang rất quan ngại về vấn đề sụt giảm sản lượng khai thác của một số quốc gia, cũng như nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu thô tại các khu vực khác trên thế giới, có thể đẩy giá dầu tăng vọt gây bất ổn thị trường dầu thô toàn cầu. Vì vậy, trong tháng 6 này, lãnh đạo công ty năng lượng Rosneft của Nga, ông Igor Sechi đã đưa ra dự báo rằng giá dầu sẽ tăng cao do Mỹ trừng phạt Iran.
Trái với giai đoạn giữa những năm 2000, khi các tập đoàn năng lượng của Nga tìm cách đẩy giá dầu lên cao, hiện Nga quan tâm nhiều hơn đến việc ổn định giá dầu thay vì tìm cách đẩy giá dầu vì như vậy có thể khuyến khích các đối thủ cạnh tranh tìm cách gia tăng sản lượng khai thác, phát triển các loại năng lượng thay thế và cuối cùng là dẫn tới suy giảm nhu cầu dầu thô.
Mặt khác, ý định của Nga trong việc tăng sản lượng khai thác dầu thô của nhóm OPEC lên mức 1,5 triệu thùng/ngày phù hợp với các đánh giá của một số chuyên gia phân tích thị trường người Nga được Al-Monitor phỏng vấn. Các chuyên gia này cho rằng để duy trì giá dầu thô ở mức 65-75 USD/thùng (mức giá Nga mong muốn) thì gia tăng sản lượng khai thác ở mức 1 triệu thùng/ngày là chưa đủ.
Câu hỏi lớn nhất hiện nay là tại sao Saudi Arabia lại bật đèn xanh cho Moskva khi mà nước này không muốn giảm giá dầu, sao Saudi không duy trì giá dầu ở mức hiện tại hoặc cao hơn một chút. Có thể do Saudi không muốn OPEC gia tăng sản lượng sẽ dẫn tới xu hướng giảm giá dầu trong dài hạn.
Một yếu tố khác cũng có thể tác động lên quyết định của Saudi là các quan ngại của nước này liên quan đến tăng trưởng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ. Ít nhất, tăng trưởng dầu thô đá phiến tại Mỹ sẽ không dẫn tới sự co lại thị phần của OPEC trên thị trường dầu mỏ thế giới.
Trong cuộc gặp, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khaled al-Faleh (trái) và Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã đạt đồng thuận về sự cần thiết thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhằm bảo đảm quá trình phát triển bền vững của thị trường và ngành công nghiệp dầu mỏ. Điều này được cho là có lợi cho cả hai trong nhiều mặt. Hai nước sẽ cố gắng duy trì cơ chế OPEC như là cơ chế đàm phán để điều chỉnh thị trường dầu thô sau năm 2018.
Nói cách khác, Nga và Saudi sẽ duy trì thỏa thuận Vienna với hạn ngạch khai thác sản lượng mới cho đến cuối năm 2018. Hai nước này sẽ cố gắng thuyết phục các thành phiên còn lại của OPEC tiếp tục duy trì cơ chế này sau năm 2018 mặc dù công thức của cơ chế này sẽ có khác biệt.
Các thành viên của OPEC có thể thảo luận thêm các cơ chế cho phép các nước này ngay lập tức phản ứng với các vấn đề của thị trường dầu mỏ và nếu cần thiết có thể can thiệp dựa trên cơ sở luân phiên. Như vậy, OPEC có thể trở thành một cấu trúc như một diễn đàn sẽ hoạt động trên cơ sở thường trực và có các cơ chế thực tế để kiểm soát thị trường dầu mỏ.
Hai vị bộ trưởng cũng đưa ra một sáng kiến quan trọng khác: Các nhân vật này muốn lôi kéo các thành viên chưa thuộc OPEC tham gia đàm phán về kiểm soát thị trường dầu mỏ. Đã có nhiều tin đồn rằng Nga và Saudi quan tâm đến vấn đề này và nay tin đồn đã được kiểm chứng. Câu hỏi là hai nước sẽ lôi kéo nước nào vào cơ chế hỗn hợp này.
Liệu cơ chế này có bao gồm các nhà sản xuất dầu thô đá phiến tại Mỹ không? Ý định và tiềm năng sản xuất của Moskva lẫn Riyadh vẫn còn là điều chưa rõ. Ngành công nghiệp này của Mỹ rất linh hoạt và có thể điều chỉnh để thích nghi với các điều kiện thị trường khác nhau.
Cuối cùng, Nga và Saudi Arabia đã tuyên bố hai nước hiện đang thảo luận về một thỏa thuận song phương sẽ bắt buộc hai nước hợp tác để bảo đảm sự ổn định của thị trường khí đốt hóa lỏng và mức độ phù hợp của đầu tư phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt.
Nguồn tin: bnews.vn
Trả lời