PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đã khẳng định với Dân Việt như vậy sau khi Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng “khi Nhà nước còn quyết giá cơ sở xăng dầu thì các doanh nghiệp FDI có vào cũng không thể cạnh tranh ngang ngửa”.
Nhà nước không quản lý giá xăng dầu thì chẳng khác gì “thả hổ về rừng” (Ảnh: IT)
Kiểm soát để cạnh tranh lành mạnh
Trước việc Nhật Bản đưa vào hoạt động Trạm xăng dầu đầu tiên tại Việt Nam với độ chính xác đến từng 0,01 lít.,Tập đoàn xăng dầu hàng đầu Nhật Bản Idemitsu Q8 được cho là đã mở ra một “làn gió mới” cho thị trường xăng dầu Việt Nam.
Trả lời báo chí, ông Phan Thế Ruệ – Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng: “Với sự tham gia của FDI, thị trường cần một sân chơi mới. Vì vậy, cần sớm bỏ giá cơ sở để tạo cạnh tranh sòng phẳng. Nhà nước chỉ nên ban hành khung giá định kỳ để doanh nghiệp vận dụng, như vậy mới tạo ra sự cạnh tranh bằng giá”.
Cũng theo quan điểm của vị này, khi Nhà nước còn quyết giá cơ sở xăng dầu thì các doanh nghiệp FDI có vào cũng không thể cạnh tranh ngang ngửa. Nếu thời gian tới cơ chế kinh doanh xăng dầu cho phép cạnh tranh về giá bán lẻ, chính các cửa hàng xăng dầu sẽ quyết định giá bán lẻ xăng dầu.
Trao đổi với Dân Việt sau những ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, đối với mặt hàng xăng dầu, nếu Nhà nước không kiểm soát giá thì chẳng khác gì “thả hổ về rừng”.
“Quan điểm trong nền kinh tế thị trường thì phải để cho doanh nghiệp và người tiêu dùng tự định giá là không hợp lý. Vì trong nền kinh tế thị trường có nhiều thị trường khác nhau với 9 dạng thị trường chi tiết, trong đó có 3 dạng phổ biến là cạnh tranh, độc quyền thuần túy và độc quyền nhóm”.
Cũng theo ông Long, hiện nay, trên thị trường xăng dầu Việt Nam, Ptrolimex chiếm khoảng 46% thị phần, PVOIl chiếm khoảng 23% thị phần, SAIGONPETRO 8% và các doanh nghiệp còn lại khoảng 22%. Do đó, nhà nước phải kiểm soát giá và định giá trần, doanh nghiệp muốn cạnh tranh thì có thể bán thấp hơn mức giá trần đó. “Nếu để cho doanh nghiệp tự định giá thì sẽ định giá rất cao gây thiệt hại cho người tiêu dùng”, ông Long nói.
Ông Long phân tích thêm, đối với thị trường cạnh tranh, nhà nước để giá cho thị trường tự quyết định nhưng đối với thị trường độc quyền thì nhà nước không bao giờ để cho thị trường quyết định mà nhà nước phải định giá. Ví dụ, ở dạng độc quyền thuần túy như truyền tải điện; hay thị trường độc quyền nhóm, trong đó có một nhóm doanh nghiệp “thống lĩnh” thị trường. Đối với các nhóm doanh nghiệp “thống lĩnh” thị trường thì nhà nước không thể quy định giá cụ thể mà chỉ đưa ra giá trần và giá sàn để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
3 yếu tố để doanh nghiệp FDI cạnh tranh
Đại diện Hiệp hội xăng dầu cũng cho rằng, “Nếu các doanh nghiệp FDI nắm giữ và chi phối thị trường xăng dầu trong tương lai, sẽ xảy ra khả năng nhà nước mất quyền kiểm soát thị trường. Đồng thời, xăng dầu là một mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng đến nhiều người, vì vậy Nhà nước cần phải nắm giữ thị trường thông qua các cơ chế, hàng rào kỹ thuật. Không thể mở toang cánh cửa thị trường xăng dầu được”.
Bình luận về quan điểm này, PGS. TS. Ngô Trí Long cho biết: Hiện tất cả các Hiệp định thương mại tự do của Việt Nam đã ký kết thì không có Hiệp định nào mở cửa thị trường năng lượng do Việt Nam vẫn chưa chủ động được thị trường năng lượng. Năng lượng là điều quyết định cho sự tồn tại của nền kinh tế, tùy từng nước họ mới có những quy định mở cửa khác nhau còn với Việt Nam là không mở cửa lĩnh vực này nên không thể nói là mở toang cánh cửa được.
Tổng GĐ Idemitsu Q8 đội mưa cúi chào khách hàng mua xăng (Ảnh: IT)
Nhiều người cũng đặt câu hỏi, vậy tại sao một doanh nghiệp Nhật lại được phép kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu? Ông Long lý giải, “đó là do Việt Nam khuyến khích một số doanh nghiệp FDI đầu tư và lĩnh vực hóa lọc dầu thì sẽ được phép bán sản phẩm rộng rãi trên thị trường của Viện Nam. Doanh nghiệp FDI thấy có cơ hội để phát triển thì họ mới đầu tư vào lĩnh vực đó”, ông Long phân tích.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng khẳng định, cạnh tranh là yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế và nhà nước phải đảm bảo cho cạnh tranh lành mạnh, trong đó công cụ quản lý tốt nhất chính là giá. Như vậy, khi đã quản lý giá rồi thì các doanh nghiệp FDI sẽ cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực xăng dầu bằng những yếu tố gì?
Ông Long phân tích: Người tiêu dùng khi ra cửa hàng xăng dầu hiện nay họ sẽ để ý tới 3 yếu tố gồm: phương thức phục vụ có văn minh không; lượng có đủ không và chất lượng có đảm bảo không. Hiện tại, người dân vẫn bức xúc trước tình trạng đi mua xăng bị cân đong không đủ, về chất lượng thì vẫn còn tình trạng một số cửa hàng “treo đầu dê bán thị chó”, xăng pha các tạp chất nên chất lượng không đảm bảo, làm hỏng phương tiện… Mặt khác, phương thức phục vụ thì nhiều cửa hàng xăng dầu trong nước còn phải học hỏi các doanh nghiệp của Nhật rất nhiều.
Theo ông Long, Tập đoàn xăng dầu hàng đầu Nhật Bản- Idemitsu Q8 là một trong 2 tập đoàn xăng dầu lớn nhất Nhật Bản. “Họ luôn đảm bảo uy tín về chất lượng và bán hàng bằng thẻ nên cân đong, đo đếm sẽ đảm bảo chính xác. Mặc khác, thái độ phục vụ của họ thì rất tuyệt vời, tôi đã từng đi Nhật, vào siêu thị cũng được hướng dẫn rất tỉ mỉ và từ nhân viên tới lãnh đạo họ đều cúi gập người chào khách hàng”, ông Long nói.
Ông Long cũng cho rằng, việc xuất hiện doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực xăng dầu có thể coi vừa là cơ hội và cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp xăng dầu của Việt Nam.
Nguồn tin: danviet.vn
Trả lời