Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 6, nhập khẩu xăng dầu đạt 717.000 m3, tương đương 812 triệu USD, giảm 19% về lượng và giảm 9% giá trị so với tháng 5. Đây là tháng thứ ba liên tiếp, lượng nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam đi xuống.
Tính chung 6 tháng đầu năm, nhập khẩu xăng dầu các loại đạt gần 4,8 triệu m3, tương đương 5 tỷ USD, tăng 18% về lượng và tăng gần 2,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó, theo số liệu từ Bộ Công Thương, trong quý II, nguồn cung xăng dầu dự kiến khoảng 6,7 triệu m3; trong đó sản lượng lọc hóa dầu Nghi Sơn cam kết cung cấp là 1,8 triệu m3 xăng dầu, với mức phân bổ ra thị trường từ 0,59 – 0,63 triệu m3 cho từng tháng 4 – 6.
Trong khi, nhu cầu xăng dầu dự kiến khoảng 5,2 triệu m3. Với nguồn cung như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 1,5 triệu m3.
Như vậy, việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cung cấp xăng dầu trở lại trong tháng 4-6 đã giúp nguồn cung trong nước ổn định hơn, giảm bớt gánh nặng nhập khẩu trong bối cảnh giá dầu thế giới biến động mạnh.
Dù lượng nhập khẩu giảm, giá xăng dầu nhập khẩu tháng 6 vẫn tăng 13% so với tháng 5 và tăng 2,2 lần so với tháng 6/2021, đạt 1.314 USD/m3. Lũy kế 6 tháng, giá xăng dầu nhập khẩu khoảng 1.031 USD/m3, tăng 92% so với cùng kỳ năm 2021.
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy Hàn Quốc là nhà cung cấp xăng dầu chính cho Việt Nam, chiếm 40% tổng kim ngạch nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam 6 tháng đầu năm.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu của Hàn Quốc 1,9 triệu m3 xăng dầu, tương đương 2 tỷ USD, tăng hơn 2 lần về lượng và tăng 3,8 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc đang ở mức 1.063 USD/m3, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2021.
Sở dĩ, nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam từ Hàn Quốc tăng mạnh bởi theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc, doanh nghiệp được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu ưu đãi đặc biệt là 10%, thấp hơn mức thuế tối huệ quốc và mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của các Hiệp định khác như ATIGA, ACFTA.
Trước tình hình này, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh thuế suất thuế tối huệ quốc (MFN) đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ mức 20% xuống 10%.
Bộ Tài chính cho biết việc giảm thuế MFN không giúp hạ nhiệt giá xăng trong nước nhưng sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khu vực Trung Đông, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động.
Trước đó, tại phiên điều hành giá ngày 11/7, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định điều chỉnh giảm giá các mặt hàng xăng dầu bán lẻ trong nước. Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 về 27.780 đồng (giảm 3.110 đồng), xăng RON 95-III là 29.670 đồng (giảm 3.090 đồng) một lít.
Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Dầu diesel là 26.590 đồng một lít, giảm 3.020 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 26.340 đồng, giảm 2.010 đồng. Dầu mazut cũng hạ về 18.920 đồng một kg, giảm 800 đồng.
Sau 7 lần tăng liên tiếp thì giá xăng, dầu đã có lần giảm và cũng là lần giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Có hai yếu tố kết hợp giúp giá xăng dầu giảm mạnh kỳ này, đó là do giá thế giới giảm và việc giảm thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực.
Cụ thể, từ 1/7, theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thuế môi trường với xăng giảm 1.000 đồng/lít và 500-700 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn…
Với mức giảm trên, nhiều người cũng kỳ vọng giá xăng trong kỳ điều chỉnh ngày 21/7 tới đây tiếp tục giảm, để góp phần kéo mặt bằng giá xuống thấp hơn, cuộc sống của người dân, doanh nghiệp bớt khó khăn hơn.
Nguồn tin: Mekong ASEAN
Trả lời