Nhập nhèm tiêu chuẩn xăng A95, móc túi người tiêu dùng

 

Ở đợt điều chỉnh giá xăng dầu công bố mới đây, đối với xăng A95, liên Bộ Công Thương – Tài chính khuyến nghị các thương nhân tăng giá bán xăng A95 tối đa 526 đồng/lít so với giá bán hiện hành. Trong khi Chính phủ yêu cầu liên bộ phải đưa ra được giá cơ sở cho xăng A95 trong tháng 4.2017 vì việc mới chỉ “khuyến nghị” cho thấy việc minh bạch hóa giá A95 vẫn đang còn là dấu hỏi gây bức xúc cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, việc xăng A95 có tới mấy loại, giá cả cũng chênh lệch nhưng các cây xăng lại ưu tiên bán loại đắt nhất khiến người tiêu dùng mất thêm tiền…

Khoảng cách 200 đồng và lập lờ giữa các loại xăng A95

Để khảo sát rõ hơn, vào lúc 13h chiều ngày 9.4, phóng viên Lao Động đã có mặt ở cây xăng rất nổi tiếng trên cộng đồng mạng cách đây nửa năm. Đó là cây xăng 100% vốn nước ngoài (Idemitsu Kosan – Nhật Bản và Kuwait Petroleum International Ltd – Kuwait) IDEMITSU Q8, nằm rất sâu trong khu công nghiệp Thăng Long – Hà Nội. Dù không còn cảnh ông chủ cây xăng đứng cúi người chào từng khách như hồi mới khai trương nhưng người bán xăng ở đây vẫn rất lịch thiệp, nhẹ nhàng theo phong cách Nhật Bản. Đây cũng là cây xăng được ca ngợi là bán xăng chuẩn đến 0,01 lít.

Không chỉ sạch sẽ, nhân viên lịch thiệp mà giá cả ở cây xăng Q8 rất rõ ràng: 1 lít xăng A95 được bán với giá 20.500 đồng.

Thế nhưng, chỉ cách cây xăng của Nhật Bản khoảng 2km là cây xăng số 91 của “ông lớn” Petrolimex nằm tại thị trấn Đông Anh (Hà Nội). Cây xăng có lượng khách lớn, chủ yếu là xe ôtô tải, xong giá cả đã có sự chênh lệch. Petrolimex niêm yết giá xăng A95 là 20.700 đồng.

Thực tế thì bảng giá thông báo của Petrolimex cũng phân định, giá 20.700 là xăng A95-IV, còn xăng A95-II,III cũng là 20.500. Nhưng vấn đề là hầu hết cột bơm đều là A95-IV (đạt tiêu chuẩn khí thải euro4) và người mua mặc định A95 chỉ có 1 loại, và đó là A95-IV với giá 20.700 đồng/lít chứ không ai đến để chỉ rõ tôi mua A95- II hay A95-III. Thế nên việc Petrolimex đưa ra bảng giá thì đúng, nhưng thực chất bán, sẽ là loại A95-IV với giá cao ngất ngưởng.

Anh Hải Nam (Cầu Giấy- Hà Nội) chia sẻ thêm: “Hiện nay có 3 loại xăng A95 là A95 -II, A95-III, A95-IV. Nếu người bán để giá xăng A95-IV nhưng bán A95-III thậm chí A95-II thì người mua làm sao biết được? Có lần tôi mua A95 vào chai nhựa mà màu xanh xanh như A92 nhưng nhạt hơn, nghĩa là có thể đã bị trộn thêm A92 vào. Trong khi đó A95-II vàng nhạt, 95-III vàng hơn 1 chút và 95-IV vàng như bia. Chúng tôi cảm thấy có điều gì đó chưa minh bạch ở đây”.

Giá xăng A95 bị trói hay vẫn thả nổi?

Giá xăng A95 lâu nay vẫn tạo ra những dấu hỏi rất lớn đối với người tiêu dùng trong bối cảnh A92-E5 chưa khiến người tiêu dùng yên tâm (đặc biệt người đi xe hơi) về tính an toàn, về độ hao mòn máy móc, hao nhiên liệu.

Cần phải nhớ lại rằng ở kỳ điều chỉnh đầu tiên sau khi khai tử xăng A92 (ngày 1.1.2018), giá xăng A95 cũng âm thầm tăng vượt mốc 20.000 đồng/lít nhưng cũng không xuất hiện trong văn bản điều hành. Văn bản liên bộ chỉ nêu giá xăng E5 và các loại dầu. Giá cơ sở đối với xăng A95 cũng không có.

Theo lý giải của Bộ Công Thương thời điểm đó, các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường mới được dùng làm căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng việc không công bố giá cơ sở A95 là không minh bạch, khi thị trường chỉ còn hai loại là E5 và A95.

Trong công văn điều chỉnh giá xăng dầu mới đây, Bộ Công Thương đặt vấn đề: “Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại công văn số 439/VPCP-KTTH ngày 11 tháng 1 năm 2018 về việc theo dõi tình hình tiêu thụ xăng RON95… trong Quý I/2018 để công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu phù hợp với thị trường và quy định của pháp luật.

Qua theo dõi, giám sát, giá xăng RON95 trên thị trường thế giới bình quân kỳ điều hành là 79,950USD/thùng (tăng 3,767USD/thùng, tương đương 4,94% so với kỳ trước). Liên Bộ Công Thương – Tài chính đề nghị các thương nhân chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở mức 300 đồng/lít xăng RON95 (A95) và khuyến nghị các thương nhân tăng giá bán xăng RON95 (A95) tối đa 526 đồng/lít so với giá bán hiện hành”.

Nghĩa là vẫn chỉ là khuyến nghị chứ không “cấm” hay áp đặt. Tuy nhiên động thái tăng mạnh giá xăng E5 và A95 đợt này liệu có phải để bù vào việc giá thành phẩm xăng dầu thế giới thời gian qua có xu hướng tăng như giải thích của liên bộ hay đơn giản chỉ là động thái “rủ nhau tăng” trong bối cảnh A95 ngày càng trở nên phổ biến?

Tính từ đầu năm 2018 đến nay, qua các đợt điều chỉnh khoảng cách giữa E5 và A95 thu hẹp dần: Từ 1.910 đồng/lít tháng 1, xuống 1.834 lít trong tháng 2 và bây giờ độ chênh lệch chỉ là 1.770 đồng/lít. “Việc đồng loạt tăng vì thu hẹp chênh lệch giữa hai loại xăng cho người tiêu dùng chúng tôi cảm nhận là đang mua xăng E5 với giá A95”- anh Thanh Hoàng – một lái xe chạy Grap cho Lao Động biết.

Cây xăng của Nhật Bản tại KCN Thăng Long (Hà Nội) cũng chỉ bán xăng A95-III. Ảnh: H.L

Phải quản lý giá A95

Trao đổi với Lao Động, chuyên gia Ngô Trí Long: “Hiện nay thị trường xăng dầu chưa có cạnh tranh thực sự bởi vẫn có những doanh nghiệp thống lĩnh thị trường nên buộc nhà nước phải định giá. Trước đây, xăng A92 chiếm 70% thị phần. Hiện nay thị phần A95 đã tăng lên, nếu để thả nổi thì vi phạm Nghị định 83, đây cũng là lúc các doanh nghiệp tát nước theo mưa để gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Việc đưa ra giá cơ sở đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu là rất cần thiết. Nhà nước phải công bố giá cơ sở xăng A95, do xăng là mặt hàng thiết yếu, vật tư chiến lược phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời còn là mặt hàng bình ổn giá của Nhà nước, nên nếu Nhà nước buông, không quản lý giá đối với xăng A95 mà để các thương nhân tự định sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng”.

Theo Nghị định 83/CP sửa đổi về kinh doanh xăng dầu mới được Chính phủ ban hành hồi tháng 2.2018, thương nhân đầu mối có trách nhiệm tham gia bình ổn giá theo quy định của pháp luật hiện hành và được nhà nước bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá.

Theo đó trong lĩnh vực xăng dầu, nếu các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 3% đến 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó thì thương nhân phải có báo cáo để cơ quan quản lý nhà nước xem xét. Nếu tăng trên 7% với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân, liên Bộ Công Thương – Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.

Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, việc xăng A95 vẫn đang bị buông lỏng như hiện nay sẽ tạo ra nhiều kẽ hở để tạo ra các lợi ích nhóm và người tiêu dùng thiệt hại.

Phải công bố giá cơ sở A95 trong tháng 4

Mới đây, tại cuộc họp quý I/2018 của Ban Chỉ đạo điều hành giá (BCĐ) đánh giá kết quả thực hiện công tác điều hành 3 tháng đầu năm, cập nhật phương hướng điều hành từ nay tới hết năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục điều hành hiệu quả quỹ bình ổn xăng dầu, ổn định thị trường xăng dầu trong nước, công bố giá cơ sở của xăng A95 trong tháng 4.2018, xây dựng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 để khuyến khích tiêu dùng; điều hành ổn định giá điện trong năm 2018.

Có doanh nghiệp thực hiện thiếu nghiêm chỉnh

Ông Lê Duy Bình – Giám đốc Cty tư vấn về quản lý kinh tế cho biết: “Quan trọng nhất vẫn là việc minh bạch về giá, quỹ bình ổn, chi phí doanh nghiệp chứ không cần thiết phải nâng thêm đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Việc ổn định giá xăng dầu phải từ hai phía là Nhà nước và DN, về phía DN việc cạnh tranh có tăng về số lượng đầu mối và DN nhập khẩu, nhưng việc công khai minh bạch thì không phải DN nào cũng thực hiện nghiêm chỉnh.

Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện do đó cần phải có biện pháp quản lý chặt chẽ về giá, đặc biệt là các yếu tố hình thành gì vì hiện nhiều DN đang rất nhập nhèm về vấn đề này nên đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Tăng giảm là do nhu cầu thị trường

Vụ phó Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương – Nguyễn Lộc An: Hiện có một số chênh lệch về giá bán xăng dầu trên địa bàn Hà Nội do có một số DN kinh doanh xăng dầu trong khu công nghiệp (khu ngoại quan) được phép hoàn thuế nhập khẩu, VAT. Còn giá bán xăng dầu trên thị trường là giá bán nội địa (giá bán lẻ) cho người tiêu dùng trong nước nên có khác. Hiện có 29 DN nhập khẩu xăng dầu nhưng trong đó có 3 DN nhập khẩu xăng dầu hàng không (ZA1) việc tăng hay giảm các đầu mối nhập khẩu xăng dầu là do nhu cầu thị trường

Nguồn tin: laodong.vn

 

Tin tức xăng dầu | Tin chiết khấu giá xăng dầu  Tin mua, bán, sang nhượng, cho thuê  | Tư vấn thủ tục thành lập cửa hàng xăng dầu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

EU không nghĩ Nga sẽ khởi động lại dòng chảy khí đốt trên Nord Stream như kế hoạch

Liên minh châu Âu đang chuẩn bị ứng phó cho khả năng Nga sẽ không tiếp tục cung cấp khí đốt tự nhiên đến châu Âu qua Nord Stream như kế hoạch — ngay sau khi việc bảo trì thường niên đường ống này kết thúc vào ngày 21 tháng 7, một Ủy viên châu Âu nói ..

Trung Quốc dự báo nhập khẩu dầu ròng tăng 17% vào năm 2020

Chính phủ Trung Quốc cho biết hôm thứ Năm rằng nhập khẩu dầu ròng sẽ tăng 17% vào năm 2020 so với mức của 2015, vì sản lượng trong nước sụt giảm làm gia tăng sự phụ thuộc vào nguồn dầu nước ngoài..

Giá xăng dự báo tiếp tục tăng vào ngày mai 21-6

Với diễn biến giá xăng dầu thế giới, giá xăng trong nước dự báo tiếp tục tăng vào kỳ điều hành ngày mai 21-6.
Ngày mai 21-6, Liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước.
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật đến..

Bộ Công thương: Xăng dầu đồng loạt tăng giá

Bắt đầu từ 15h chiều ngày 18/2/2017, sau khi điều chỉnh, giá bán lẻ mặt hàng xăng RON 92 sẽ có giá bán mới 18.098 đồng/lít, xăng E5 giá 17.818 đồng/lít 
Thông tin từ Bộ..