Năm 2017, quỹ thu nhập cho các lãnh đạo Petrolimex tăng mạnh, thù lao HĐQT tăng lên gần 9 tỷ, Ban kiểm soát hơn 4 tỷ đồng.
Với số lượng thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát giữ nguyên như hiện nay, mức thu nhập bình quân của các thành viên HĐQT sẽ được nâng lên xấp xỉ 1,15 tỷ đồng/người và của các thành viên Ban Kiểm soát sẽ là 874 triệu đồng/người.
Đó là một trong những nội dung quan trọng theo tờ trình của HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào 25/4 tới.
Theo dự thảo báo cáo của Hội đồng quản trị (HĐQT) tập đoàn, tổng quỹ tiền lương và thù lao của HĐQT năm 2016 là hơn 7 tỷ đồng và của Ban kiểm soát là hơn 3,5 tỷ đồng.
Năm 2016, mức thu nhập bình quân từ lương và thù lao của các thành viên HĐQT Petrolimex trong năm ngoái đạt khoảng 882,5 triệu đồng/người và của các thành viên Ban kiểm soát là 757,7 triệu đồng/người. Mức lương và thù lao nói trên được thực hiện theo phương án do ĐHĐCĐ Petrolimex thông qua hồi tháng 6/2016.
Xin tăng lương cho lãnh đạo Tập đoàn xăng dầu Petrolimex
Việc đề xuất tăng thu nhập cho các “sếp” được Petrolimex trình ra ĐHĐCĐ thường niên trong bối cảnh năm 2016, kết quả kinh doanh của tập đoàn này tăng vọt so với 2015.
Mà năm 2017, theo tờ trình của Ban điều hành, Petrolimex dự kiến sẽ nâng sản lượng xăng dầu xuất bán thêm 3,3% so với năm 2016; doanh thu hợp nhất đạt 143.208 tỷ đồng, tăng 16,3%.
Điều đáng nói, trước đó, ngày 29/3, trả lời giới đầu tư về sự chậm trễ triển khai dự án Nhà máy Lọc dầu Nam Vân Phong (tỉnh Khánh Hoà), ông Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex cho biết do phải cân nhắc yếu tố hiệu quả trong đầu tư nên vẫn đang trong quá trình tính toán có triển khai hay không.
“Là nhà cung cấp chính trên thị trường xăng dầu, việc xây dựng dự án lọc dầu để đảm bảo an toàn về nguồn là rất quan trọng. Petrolimex là số ít doanh nghiệp nhà nước, từ năm 1989, không sử dụng đồng ngân sách nào của Nhà nước trong nhiều năm nay, không nhận được bất cứ ưu đãi nào về tài sản được hình thành từ nguồn của Nhà nước.
Nên mọi dự án to nhỏ, chúng tôi đều phải tính toán, cân đối hết sức thận trọng theo nguyên tắc vay thì phải trả, đầu tư phải có hiệu quả”, ông Bảo cho hay.
Trước khẳng định trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi – Trưởng Khoa Kinh tế Trường ĐH Nông lâm TPHCM cho biết: “Tiền thân của Petrolimex cũng là một doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Cũng giống những DNNN khác, toàn bộ tiền vốn đầu tư ban đầu cho doanh nghiệp này từ cơ sở hạ tầng, thiết bị, máy móc cho tới vốn đầu tư hoạt động, chi phí đào tạo nhân lực… tất cả đều là tiền của ngân sách nhà nước bỏ ra.
Không phải vốn của một cá nhân hay một doanh nghiệp nào đóng góp trong đó. Như vậy, Petrolimex khẳng định không sử dụng đồng tiền nào từ ngân sách trong suốt 30 năm qua là hoàn toàn không đúng”.
Kể cả khi Petrolimex đã thực hiện cổ phần hóa thì nhà nước vẫn đang nắm giữ cổ phần chi phối tại doanh nghiệp này.
Hơn nữa, Petrolimex là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, nắm giữ việc kinh doanh mặt hàng chiến lược của nền kinh tế là xăng dầu, lại được hưởng lợi thế độc quyền tự nhiên trong kinh doanh mà không một doanh nghiệp thông thường nào có được. Vậy thì, khẳng định Petrolimex không sử dụng ngân sách, không cần ưu đãi kể cả trong quá khứ hay trong tương lai cũng là tuyên bố chủ quan.
Do đó, nếu đứng trên cương vị của Nhà nước, ai nghe cũng phải thấy buồn vì rõ ràng nếu không có sự đóng góp của nhà nước thì làm sao Petrolimex sống được tới ngày hôm nay.
Đồng tình quan điểm, GS.TS Đặng Đình Đào – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD bức xúc: “Petrolimex là DNNN lớn đang nắm giữ việc kinh doanh mặt hàng chiến lược của nền kinh tế là xăng dầu đã được nhà nước bảo hộ suốt từ khi thành lập cho tới bây giờ, lại được hưởng lợi thế độc quyền “một mình một ngựa”, còn rất nhiều những chính sách về đầu tư, góp vốn khác… mà lại nói không sử dụng một đồng ngân sách, không cần ưu đãi từ 30 năm nay là vô lý”.
Nguồn tin: Baodatviet
Trả lời