Đó là câu hỏi của không ít người tham dự cuộc thảo luận về ô nhiễm không khí tại TPHCM do Tổng lãnh sự Mỹ tại TPHCM tổ chức hôm 4-5.
Cuộc thảo luận được tổ chức nhân tuần lễ Nâng cao nhận thức về Chất lượng Không khí. Chủ đề tập trung vào tầm quan trọng của chất lượng không khí và tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người, kinh tế toàn cầu và môi trường.
Ngủ quên quá lâu trong bầu không khí ô nhiễm
Ghi nhận những thắc mắc của nhiều người tham dự cuộc thảo luận về mức độ hiệu quả của thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, song Tiến sĩ Lê Việt Phú, Giảng viên chính sách môi trường, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (nay là Đại học Fulbright Việt Nam), một trong những diễn giả của cuộc thảo luận, khẳng định rằng đây là một loại thuế phổ biến trên thế giới chứ không phải riêng gì ở Việt Nam, và dưới góc độ của các nhà hoạch định chính sách thì đánh thuế vào nhiên liệu trong câu chuyện bảo vệ môi trường là một lựa chọn dễ thực hiện.
Phải chăng chúng ta đã thức tỉnh quá muộn về ô nhiễm không khí, sau rất lâu so với các hình thức ô nhiễm khác như nguồn nước, đất đai… cũng là một vấn đề được các diễn và khán giả cùng chia sẻ. Diễn giả Ngụy Thị Khanh, Sáng lập viên và hiện là Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) giải thích đúng là không khí là thứ chúng ta hít thở hằng ngày nhưng lại nhận ra sự đe dọa với nó sau cùng, bởi trước tiên ai cũng biết không khí là vô hình nên khó có thể sớm nhận ra nó bị ô nhiễm. Thứ hai là về vấn đề kinh phí dành cho nghiên cứu ô nhiễm không khí còn ít dẫn tới sự quan tâm tới nó cũng đến sau.
Diễn giả Ngụy Thị Khanh (phải) cho rằng giáo dục cho trẻ về ô nhiễm không khí là một điều cực kỳ cần thiết.
Trong khi đó, Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, Trưởng Phòng Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia Việt Nam – TPHCM, cho rằng thông thường khi muốn người ta nhận thức ra một vấn đề nào đó, phải có các dữ liệu, bằng chứng đủ sức thuyết phục người dân hay giới chức trách. Và đây cũng là công việc mà ông cùng nhiều đồng nghiệp đã và đang nỗ lực thực hiện.
Phát triển vận tải công cộng để hạn chế xe cá nhân có vẻ là một cách hợp lý để giảm thiểu ô nhiễm không khí và TPHCM cũng đã và đang thực hiện bằng cách tăng cường đi lại bằng xe buýt, thế nhưng theo Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, những khảo sát của ông cho thấy tác dụng giảm ô nhiễm không khí lại không được như mong đợi, thậm chí còn tăng lên. Vị chuyên gia giải thích rằng lý do một phần xuất phát từ các loại xe buýt tại TPHCM phần lớn đều đã cũ.
Hãy “ở nhà càng nhiều càng tốt”
Vậy mỗi cư dân có thể làm gì để có thể bảo vệ bản thân và gia đình trước tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay? Câu hỏi này được một cư dân TPHCM đưa ra cho các diễn giả, đồng thời cũng là mối quan tâm chung của tất cả những người tham dự thảo luận.
Theo lời Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng, trước tiên chúng ta phải nỗ lực trong khả năng của bản thân trong chính gia đình của mình. Ông đùa rằng: “Hãy ở nhà nhiều nhất có thể và khi ra đường nên sử dụng loại khẩu trang đúng chuẩn”.
Tiến sĩ Hồ Quốc Bằng (phải) nhấn mạnh ô nhiễm không khí ở TPHCM chủ yếu là do bụi, và dùng đúng loại khẩu trang là rất quan trọng. Ảnh: T.Hằng
Trong khi đó, bà Ngụy Thị Khanh cũng khẳng định cần phải nêu lên tiếng nói của mình về vấn đề này tới những đại diện của mình như đại biểu hội đồng nhân dân, đại biểu quốc hội. Về phần mình, tổ chức của bà cũng đang tích cực thực hiện biện pháp này, những kết quả nghiên cứu về ô nhiễm không khí của tổ chức bà được công khai và chuyển tới tất cả những cơ quan chính quyền có liên quan, cũng như cung cấp cho cả truyền thông.
Một diễn giả khác của cuộc thảo luận, ông Phạm Thanh – Giảng viên Đại học RMIT đề cập tới một giải pháp cũng được nhều người kỳ vọng của chính quyền để giảm thiểu ô nhiễm không khí, đó là phát triển năng lượng mặt trời. Nhiều người tham dự cuộc thảo luận cho biết họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho loại năng lượng sạch như vậy để đổi lại sự trong sạch cho không khí.
Nguồn tin: Nld.com.vn
Trả lời