Trong phiên giao dịch vừa qua, giá dầu và thép tăng trở lại, vàng vẫn quanh mức cao nhất 3 tháng nhưng sữa tiếp tục giảm sâu. Trung Quốc dự định tăng kiểm soát xuất khẩu đất hiếm gây nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại với Mỹ.
Dầu hồi phục
Giá dầu thô tăng 1% sau khi thị trường chứng khoán tăng điểm đẩy dầu Brent thoát khỏi mức thấp nhất 4 tháng chạm tới vào đầu phiên.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 69 UScent tương đương 1,1% lên 61,97 USD/thùng, trước đó vào buổi sáng có lúc giá chỉ 60,21 UScent, thấp nhất kể từ 29/1/2019. Dầu Tây Texas tăng 23 UScent tương đương 0,4% lên 53,48 USD/thùng.
Chứng khoán Mỹ đã tăng gần 2% sau khi Trung Quốc đề nghị Mỹ tiếp tục đối thoại để giải quyết bất đồng về thương mại và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra đề xuất cắt giảm lãi suất.
Trong khi đó, người đứng đầu công ty dầu mỏ quốc doanh Nga, công ty Rosneft, ông Igor Sechin cho rằng Nga khai thác dầu theo ý muốn của mình và ông sẽ đề nghị được Chính phủ bồi thường thiệt hại nếu Nga đồng ý với OPEC gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Sản lượng dầu trung bình ngày của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất 3 năm sau sự cố dầu thô ô nhiễm làm tắc nghẽn đường ống xuất khẩu chính của Nga.
Vàng quanh mức cao nhất 3 tháng
Giá vàng cuối phiên vừa qua duy trì gần sát mức cao nhất 3 tháng do thông tin Trung Quốc mở lại các cuộc thương lượng với Mỹ để giải quyết bất đồng và dự đoán FED sẽ cắt giảm lãi suất.
Vàng giao ngay giảm nhẹ 0,1% xuống 1.324,01 USD/ounce sau khi đầu phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ 27/2/2019 là 1.328,98 USD/ounce; vàng giao tháng 8/2019 tăng 0,1% lên 1.328,70 USD/ounce.
Đất hiếm: Trung Quốc xem xét tăng cường kiểm soát xuất khẩu
Thông tin từ một nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho biết, nước này sẽ xem xét tăng cường kiểm soát đất hiếm – thứ kim loại gồm 17 nguyên tố hóa học được sử dụng trong sản xuất các thiết bị quân sự và điện tử tiêu dùng (công nghệ cao) – để bảo vệ và sử dụng hiệu quả nguồn “tài nguyên chiến lược này”.
Được biết, Trung Quốc cung cấp 80% tổng khối lượng đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu trong giai đoạn 2014 – 2017. Căng thẳng thương mại giữa 2 bên làm dấy lên lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng kim loại này như một vũ khí chống lại Mỹ.
Thép chấm dứt 5 phiên giảm
Giá thép cây trên sàn Thượng Hải đảo chiều đi lên sau đợt giảm kéo dài nhất trong vòng 7 tháng, song thép cuộn cán nóng giảm tiếp xuống mức 2 tháng giữa bối cảnh giới đầu tư thận trọng vì mùa nhu cầu thép cao điểm ở Trung Quốc đã kết thúc.
Kết thúc phiên giao dịch, thép cây kỳ hạn tháng 10/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 0,3% lên 3.745 CNY (542,25 USD)/tấn. Tuy nhiên, kim loại này đã mất khoảng 5% giá trị kể từ khi đạt mức cao nhất 8 năm vào tháng trước. Thép cuộn cán nóng giảm 0,2% xuống 3.609 CNY/tấn vào cuối phiên, sau khi đầu phiên có lúc chỉ 3.557 CNY/tấn, thấp nhất kể từ 4/4/2019.
Sản lượng thép thô của Trung Quốc tháng 4/2019 tăng 12,7% so với tháng trước đó do nhu cầu vững.
Kim loại cơ bản biến động nhẹ nhưng đồng vẫn thấp nhất 5 tháng
Giá đồng chưa thoát đáy 5 tháng do căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang gây lo ngại nhu cầu kim loại công nghiệp sẽ sụt giảm, mặc dù USD yếu đi hỗ trợ đôi chút cho giá mặt hàng này.
Đồng hợp đồng giao sau 3 tháng trên sàn London kết thúc phiên nhích nhẹ 0,8% lên 5.878 USD/tấn nhưng vẫn gần sát mức thấp nhất kể từ 4/1/2019 là 5.801 USD/tấn.
Việc Trung Quốc thông báo sẽ xem xét tăng cường kiểm soát đất hiếm có thể làm gia tăng căng thẳng giữa nước này với Mỹ. Trung Quốc chiếm gần một nửa tiêu thụ đồng toàn cầu, ước tính 24 triệu tấn, trong khi Mỹ chiếm khoảng 8%.
Về những kim loại cơ bản khác, giá kẽm có lúc chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2019 là 2.448 USD/tấn trước khi kết thúc ở 2.475,5 USD/tấn (tăng 0,3% so với phiên trước), nhôm tăng 0,5% lên 1.786 USD/tấn, chì tăng 2% lên 1.846 USD/tấn và thiếc giảm 0,3% xuống 19.090 USD/tấn trong khi nickel giảm 0,5% trên bảng giao dịch điện tử xuống 11.815 USD/tấn.
Lượng kẽm lưu kho trên sàn Thượng Hải tăng 5,4% lên 59.351 tấn, nhưng vẫn thấp hơn 54% so với mức cao kỷ lục năm 2019 là 124.038 tấn hồi tháng 3/2019. Lượng lưu kho trên sàn London là 100.375 tấn, giảm 22% từ đầu năm đến nay.
Đường cao nhất 5 tuần khi đồng real cao nhất 7 tuần
Giá đường thô kỳ hạn giao tháng 7/2019 đã tăng 0,23 UScent tương đương 1,9% lên 12,42 UScent/lb vào cuối phiên vừa qua, trước đó đầu phiên có lúc giá đạt mức cao nhất kể từ 26/4/2019 là 12,45 UScent/lb. Đồng real mạnh lên đã hỗ trợ giá những mặt hàng như đường và cà phê tăng bởi Brazil là nước sản xuất và xuất khẩu lớn. Đường trắng giao tháng 8/2019 cũng tăng 6 USD tương đương 1,8% lên 336,8 USD/tấn, sau khi có lúc đạt mức cao nhất 5 tuần là 338 USD/tấn.
Chính phủ Brazil đã mở đường cho các nhà sản xuất ethanol bán nhiên liệu trực tiếp cho các trạm khí gas mà không cần phải qua các đơn vị phân phối nhiên liệu, nhưng quy định này vẫn cần phải được sự thông qua dưới hình thức luật bổ sung.
Thời tiết khô hạn ở Ấn Độ cũng góp phần đẩy giá đường đi lên.
Cà phê arabica cao nhất 4 tháng
Đồng real mạnh lên cũng đẩy giá cà phê arabica giao tháng 7/2019 lên mức cao nhất 4 tháng vào đầu phiên vừa qua, là 1,0615 USD/lb, trước khi kết thúc ở 1,0565 USD, tăng 1,9 UScent tương đương 1,8% so với cuối phiên trước. Robusta giao cùng kỳ hạn cũng tăng 4 USD tương đương 0,3% lên 1.484 USD/tấn.
Trái vải: Nguồn cung ở Hải Nam (TQ) giảm vì cuối vụ
Mùa thu hoạch trái vải ở Hải Nam bắt đầu từ cách đây một tháng và sắp kết thúc, sản lượng năm nay nhìn chung thấp hơn năm ngoái. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng tới thị trường không nhiều, và giá cả cũng không tăng đáng kể bởi chất lượng vải năm nay không cao như năm ngoái.
Trên thị trường Trung Quốc hiện đang bán chủ yếu là vải sản xuất ở Hải Nam và Quảng Đông.
Trái bơ: Giá tăng mạnh tại Mỹ
Mexico là nguồn cung cấp bơ chủ yếu cho thị trường Mỹ. Nếu hai nước này bắt đầu cuộc chiến thương mại thì giá bơ cao có thể ảnh hưởng tới hàng triệu người dân Mỹ. Trên thực tế, giá bơ Hass sản xuất ở Michoacan (nơi trồng bơ chính của Mexico) đã tăng 3,7% trong ngày 3/6/2019 so với tuần trước lên mức cao nhất kể từ tháng 8/2017, tính từ đầu năm tới nay đã tăng 65%. Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa Mexic thì nguồn cung bơ chắc chắn sẽ bị thắt chặt hơn nữa.
Trái bơ không được giao dịch trên sàn như đậu tương ở Chicago hay kim loại đồng ở New York. Giống như các loại rau quả khác, giá bơ biến động chủ yếu bởi nguồn sản xuất. Nếu nguồn cung khan hiếm thì giá sẽ tăng lên.
Dưa hấu, dứa, táo và cam: Bán chạy tại Trung Quốc
Báo chí Trung Quốc đưa tin, giá trái cây tại nước này năm nay tương đối cao. Điều kiện thị trường nửa đầu năm 2019 rất thuận lợi, mang lại lợi nhuận cho cả các nhà nhập khẩu cũng như các cửa hàng tiêu thụ.
Dưa hấu có vị ngọt và thơm nên được tiêu dùng rộng rãi ở Trugn Quốc. Hiện giá ở mức khoảng 1,9 CNY (0,28 USD)/0,5 kg. Lúc đầu vụ (đầu tháng 5), giá lên tới 2,5 CNY (0,36 USD) do nhu cầu cao trong khi nguồn cung hạn hẹp. Sản xuất hiện đang ổn định, giá đã giảm dần và dự kiến sẽ còn giảm nữa vào giữa tháng 6 khi nguồn cung nhiều nữa. Tuy nhiên, diễn biến giá đó là quy luật, và nhìn chung giá dưa năm nay cao hơn những năm trước.
Thị trường dứa Trung Quốc năm nay rất thuận lợi, giá bán lẻ ổn định ở mức khoảng 4,5 CNY (0,65 USD)/0,5 kg. Trong những năm gần đây, sản lượng ở các khu vực Hải Nam và Xuwen, Zhanjiang dồi dào. Các chuyên gia cho biết thị trường dứa Trung Quốc năm nay tăng trưởng mạnh đã hỗ trợ giá mặt hàng này ở mức cao. Tuy nhiên, không phải toàn bộ dứa nông dân sản xuất ra được tiêu thụ hết, có một phần họ không bán được vì nguồn cung quá nhiều.
Tuần vừa qua, giá cam tại Thượng Hải tiếp tục tăng do giá cam tại các khu vực sản xuất đi lên từ mấy tuần gần đây. Nhu cầu tốt đặc biệt đối với cam Ai Cập và cam Tây Ban Nha. Giá cam Tây Ban Nha đầu mùa không cao nhưng gần đây đã tăng lên.
Cũng tại Thượng Hải, giá táo Trung Quốc sản xuất tăng do sản lượng của nước này thấp nhất 18 năm. Giá táo nhập khẩu từ New Zealand, Nam Phi và Chile cũng tương đối cao vì nguồn cung thấp. Loại táo bán chạy nhất có giá khoảng 10-20 CNY (1,45 – 2,9 USD)/0,5 kg. Giá bán buôn táo New Zealand tăng từ 200-300 CNY (28,97-43,45 USD)/thùng lên 434-456 CNY (62,86-66,05 USD)/thùng; táo Nam Phi trên 300 CNY (43,45 USD)/thùng, còn táo loại 1 của Chile giá hơn 300 CNY (43,45 USD)/thùng.
Bưởi: Giá giảm tại Trung Quốc
Thị trường bưởi Trung Quốc đang khan hiếm nguồn cung sau khi hết mùa bưởi Israel, tuy nhiên nhu cầu cũng không cao. Nhiều thương nhân đã chuyển sang kinh doanh bưởi trong nước sản xuất. Mùa bưởi Nam Phi bắt đầu vào khoảng tháng 3 – tháng 4, khi đó các thương gia Trung Quốc đã mua lượng lớn bưởi đầu mùa của nước này. Xuất khẩu bưởi Nam Phi sang Trung Quốc năm ngoái bắt đầu tăng, nhưng năm nay rất kém. Các nhà kinh doanh bưởi đang hy vọng giá sẽ cải thiện dần trong những tháng tới.
Sữa giảm 3,4%
Giá sữa thế giới đã giảm phiên thứ 2 liên tiếp. Nguồn cung mạnh lên đang làm đảo chiều xu hướng giá sữa tăng hồi đầu năm.
Trong phiên đấu giá diễn ra 2 tuần một lần, Chỉ số giá GDT đã giảm 3,4% xuống trung bình 3.423USD/tấn. Phiên trước đó, chỉ số nay đã giảm 2%.
Cụ thể, sữa bột nguyên kem – được giao dịch nhiều nhất – giảm giá 1,5%, trong khi sữa bột gạn kem giảm 4%. Kết quả này có thể ảnh hưởng đến đồng đô la New Zeland bởi lĩnh vực sữa góp tới 7% GDP của quốc gia này.
Từ đầu năm 2019 cho đến mãi gần đây, giá sữa liên tục tăng do nguồn cung ít từ New Zeland, trong khi nhu cầu mạnh, nhất là từ Châu Á.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 05/6
Nguồn tin: Cafef
Trả lời