Ngày 22/5, tại Hà Nội, Viện Dầu khí Việt Nam đã tổ chức hội nghị khoa học quốc tế với chủ đề “Khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên dầu khí Việt Nam”.
Ông Robert Chambers, chuyên gia của IHS Markit phân tích các xu hướng của ngành công nghiệp dầu khí và vấn đề tái cơ cấu đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Ảnh: Hiền Anh
Chuyên gia Robert Chamber đến từ Công ty IHS Markit cho biết, theo dự báo trong dài hạn, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ được đáp ứng bởi các dự án khai thác dầu khí và giá dầu thô được dự báo sẽ ở mức thấp hơn 80 USD/thùng đến năm 2040.
Vì vậy, các công ty dầu khí trên thế giới hiện đang thay đổi chiến thuật công nghệ mạnh mẽ để giảm chi phí khai thác và tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh giá dầu vẫn được dự báo là duy trì ở mức thấp.
Tại hội nghị này, các phân ban khoa học đã tập trung thảo luận các giải pháp để đảm bảo khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí.
Theo đó, phân ban tìm kiếm thăm dò dầu khí đề xuất đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới như kỹ thuật nhận dạng, xác định sự phân bố và chất lượng đá chứa để tăng hiệu quả công tác tìm kiếm thăm dò và thẩm lượng các khu vực, nhất là khu vực nước sâu xa bờ, các mỏ dầu khí nhỏ/mỏ cận biên, các mỏ khí gồm các vỉa khí nhỏ.
Đại diện Phân ban khai thác dầu khí lại đề nghị tập trung cho các giải pháp công nghệ mới nhằm nâng cao hệ số thu hồi dầu (IOR/EOR) cho các mỏ tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh khai thác dầu khí của Việt Nam gặp nhiều khó khăn do các mỏ dầu khí chủ lực đã đưa vào khai thác trong thời gian dài, độ ngập nước ở một số giếng khai thác tăng cao, có hiện tượng tạo muối và paraffin trong lòng giếng… làm giảm khả năng khai thác của giếng.
TS. Nguyễn Anh Đức – Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VPI
Phát biểu tại Hội nghị, Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), Tiến sỹ Nguyễn Anh Đức cho biết: Để nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), VPI sẽ giúp PVN thực hiện thành công việc chuyển đổi áp dụng công nghệ số thông qua xây dựng quy trình ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu, thiết lập hệ thống thu thập và xử lý số lượng lớn dữ liệu trong thời gian thực.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ sẽ theo 4 định hướng: Thăm dò dầu khí hiệu quả trong bối cảnh giá dầu thấp; đẩy mạnh ứng dụng tăng cường thu hồi dầu (IOR/EOR) tại Việt Nam; xử lý và chế biến khí giàu CO2 ở Việt Nam; quản lý rủi ro trong bối cảnh ngành dầu khí nhiều biến động.
Những định hướng nghiên cứu và phát triển dài hạn này chắc chắn sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho PVN mà còn cho ngành Dầu khí trong việc tối đa hóa giá trị nguồn tài nguyên dầu khí Việt Nam, ông Đức khẳng định./.
Nguồn tin: bnews.vn
Trả lời