Cảnh báo nguy cơ đe dọa kế hoạch cân bằng thị trường dầu mỏ | Hoanghungpetro.com.vn

Các nước thành viên trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể sẽ tham gia kéo dài thỏa thuận giới hạn sản lượng khai thác dầu sau quý I/2018 nếu phù hợp. 

Cảnh báo nguy cơ đe dọa kế hoạch cân bằng thị trường dầu mỏ. Ảnh: Reuters

Đây là nội dung được đăng trên báo mạng Gazeta.ru (Nga). Theo đó, thỏa thuận nói trên đã cắt giảm khoảng 350 triệu thùng dầu được đưa ra thị trường, và điều này đã giúp giá dầu tăng lên 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong nửa cuối năm, các nước tham gia thỏa thuận này (còn gọi là OPEC ) đang hy vọng giá dầu và nhu cầu sử dụng dầu mỏ cùng tăng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng Libya, Nigeria và Mỹ đang gia tăng sản xuất và đe dọa kế hoạch cân bằng thị trường này.

Ủy ban giám sát của OPEC (gồm các thành viên của OPEC, Nga và 10 quốc gia khác) tuyên bố sẵn sàng kéo dài thỏa thuận đạt được về giới hạn sản lượng khai thác vào quý II/2018 nếu điều này là cần thiết để cân băng thị trường dầu mỏ thế giới.

Thỏa thuận về cắt giảm sản xuất 1,8 triệu thùng/ngày đã đạt được vào cuối năm 2016 và được gia hạn tới cuối quý I/2018.

Ngày 24/7, Bộ trưởng năng lượng Nga Aleksandr Novak đã tuyên bố trong cuộc gặp của Uỷ ban giám sát OPEC tại Saint-Peterburg rằng: “Ủy ban đã thống nhất về khả năng sẽ kéo dài hợp tác, bao gồm cả sau thời điểm quý I/2018, nếu điều này là cần thiết để cân bằng thị trường dầu mỏ”.

Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Khalid al-Falih cũng cho biết nước này ủng hộ việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu: “Chúng tôi ủng hộ các hoạt động của thỏa thuận không chỉ tới tháng 3/2018, mà còn sau tháng 3 nếu như đạt được đồng thuận về sự cần thiết tiếp tục kéo dài thoả thuận”.

Theo các Bộ trưởng Năng lượng Nga, Kuwait, Arab Saudi và lãnh đạo OPEC, các biện pháp được thông qua trước đây trong khuôn khổ thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác dầu khí đã cho thấy “những thành công đáng kể”.

Các bộ trưởng nhận định rằng mức độ thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng trước đó là khoảng 98%. Đồng thời, OPEC cũng hy vọng rằng trong quý III/2017 thì tình hình thị trường sẽ tiếp tục khởi sắc.

Bộ trưởng Năng lượng Nga Aleksandr Novak tuyên bố rằng nhờ có thoả thuận của OPEC đạt được vào cuối năm 2016 mà giá dầu trong nửa đầu năm 2017 đã tăng khoảng 1/3 so với nửa đầu năm 2016.

Ông Novak cũng cho biết một vài quốc gia đã thực hiện thỏa thuận nêu trên một cách đầy đủ và một số khác thậm chí còn cắt giảm sản lượng quá mức đề ra trong thỏa thuận.

Ông Novak nói: “Chúng tôi cho rằng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra. Kể từ tháng 3/2017, chúng ta đã thấy lượng dầu dư thừa giảm xuống và giảm cả ở Các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Mỹ. 350 triệu thùng dầu đã không bị đưa ra thị trường, trữ lượng cũng giảm 90 triệu thùng.

Trong quý III/2017, nhu cầu sẽ tăng lên so với quý II và quý I. Trong lịch sử, đã không có thoả thuận nào được thực hiện ở mức 98%. Chúng ta hoàn toàn có thể vui mừng với con số đó và dự đoán triển vọng tăng nhu cầu đối với dầu mỏ trong quý III/2017”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Khalid al-Falih hy vọng chiều hướng giảm trữ lượng dầu sẽ tăng hơn nữa và điều đó sẽ ảnh hưởng tích cực, làm tăng nhu cầu và ổn định giá dầu trong quý III/2017. Ông Khalid cho rằng nhu cầu trong giai đoạn tháng 7-9 năm nay sẽ tăng lên khoảng 1,5 triệu thùng/ngày, so với mức 1 triệu thùng/ngày trong quý I vừa qua.

Những quốc gia đóng góp chính vào khoản tăng nhu cầu đó là Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ. Ông Khalid cũng thông báo rằng vào tháng 8/2017, Arab Saudi sẽ nghiêm túc cắt giảm sản lượng, xuất khẩu sẽ vào khoảng 6,6 triệu thùng, góp phần gia tăng nhu cầu để cải thiện tình hình trên thị trường.

Tuy nhiên, nỗ lực xây dựng sự cân bằng trên thị trường dầu mỏ cũng khá phức tạp do Libya, Nigeria đang tăng sản lượng khai thác. Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), so với tháng 10/2016, tổng sản lượng dầu của Libya và Nigeria trong tháng 6 vừa qua đã tăng lên khoảng 450.000 thùng/ngày.

Như vậy, theo IEA, sản lượng khai thác mà 2 quốc gia này đạt được lần lượt là 510.000 và 1,45 triệu thùng/ngày.

IEA cũng nhận định rằng việc tăng sản lượng khai thác của các quốc gia này, từ bỏ thỏa thuận cắt giảm sản lượng do tình hình trong nước không ổn định, đã làm giảm hiệu quả các biện pháp của OPEC trong tháng 6.

Chủ tịch của Uỷ ban giám sát OPEC là Issam al-Marzouk, khi bình luận về tình hình trên, đã tuyên bố rằng việc tăng sản lượng của các quốc gia này là “không đáng kể”. Trong khi đó, đại diện của Nigeria tuyên bố rằng nước ông sẽ sẵn sàng tham gia các thoả thuận của OPEC sau khi ổn định mức khai thác mong muốn ở 1,8 triệu thùng.

Tuy nhiên, mối đe dọa chính đối với OPEC và thị trường dầu mỏ thế giới lại là Mỹ – quốc gia không phải là thành viên của thỏa thuận nêu trên và đang ngày càng tăng cường sản xuất.

Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo nhận định rằng không thể không quan tâm tới sự gia tăng khối lượng dầu khí đá phiến mà Mỹ bán ra thị trường trong nửa đầu năm 2017 và xu hướng này sẽ còn tiếp tục tới cuối năm nay. Ông Barkindo khẳng định: “Người đại diện của Arab Saudi cũng gọi khối lượng gia tăng này của Mỹ là ‘con voi trong cửa hàng đồ sứ'”.

Ông Barkindo cho rằng vào quý IV/2017, OPEC dự định tiếp tục đối thoại với các nhà sản xuất dầu khí đá phiến. Đồng thời, ông Aleksandr Novak cho biết việc lôi kéo Mỹ vào thỏa thuận của OPEC “đã không được xem xét và sẽ không được xem xét”.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 24/7 đã hạ mức dự báo giá dầu thế giới năm 2017 và năm 2018 xuống khoảng 3 USD – tức là dầu Brent biển Bắc sẽ vào khoảng 51,9 USD và 52 USD/thùng. Trong khi đó, các nhà phân tích cũng đồng tình cho rằng hoạt động khai thác của Libya, Nigeria và Mỹ đang đe dọa kế hoạch cân bằng thị trường của OPEC ./.

Nguồn tin: bnews.vn

 

Tin tức xăng dầu | Tin chiết khấu giá xăng dầu  Tin mua, bán, sang nhượng, cho thuê  | Tư vấn thủ tục thành lập cửa hàng xăng dầu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Giá xăng dầu hôm nay 20/6: Dầu thô quay đầu tăng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung

Thông tin sản lượng khai thác trong tháng 5/2022 của OPEC thấp hơn mục tiêu cộng với sự thiếu hụt nguồn cung từ Libya đã hỗ trợ giá dầu hôm nay quay đầu tăng, bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 20/6/2022, ..

Tác động hạn chế của căng thẳng Mỹ-Iran đối với thị trường dầu mỏ (Phần 2)

Những tín hiệu về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới cho thấy nhu cầu đối với dầu mỏ cũng trở nên ảm đạm. 
Tác động hạn chế của căng thẳng Mỹ-Iran đối với thị trường dầu mỏ. Ảnh: AFP/TTXVN
C

Mục đích thực sự của việc OPEC cắt giảm sản lượng tại cuộc họp mới đây

OPEC đã đảo ngược mục tiêu tăng sản lượng dầu của tháng này tại cuộc họp hôm thứ Hai và cắt giảm hạn ngạch chung của nhóm xuống 100.000 thùng mỗi ngày cho tháng 10.
Tuy động thái này hoàn toàn không đáng kể về nguồn cung thực tế cho thị trường, k..

Giá vàng hôm nay 8/5: Chịu sự kéo đẩy từ USD và giá dầu

Giá vàng dao động giằng co bởi USD và giá dầu đều tăng mạnh. 
Thị trường ‘thiếu thốn’ rủi ro để hỗ trợ vàng.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng gần như không thay đổi nhiều. ..