Việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (còn gọi là OPEC ) không thay đổi mức tăng sản lượng đã khiến giá dầu tăng lên mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Trong khi thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, giá dầu tăng được coi là yếu tố bất lợi, gây ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19.
Giá dầu tăng mạnh do OPEC không thay đổi mức tăng sản lượng.
Tình hình sản xuất và tiêu thụ dầu mỏ đã có chuyển biến đáng kể trong vài quý gần đây. Sau khi nhu cầu về dầu giảm mạnh 9,3 triệu thùng/ngày vào năm ngoái, thị trường dầu mỏ đang lấy lại đà phục hồi. Ngày 4-10, khi OPEC nhất trí vẫn duy trì mức tăng sản lượng mỗi tháng thêm 400.000 thùng/ ngày đến tháng 11 theo thỏa thuận đạt được từ tháng 7-2021, thì giá dầu thô Brent đã tăng vượt ngưỡng 80 USD/thùng, gần gấp đôi so với một năm trước và dầu thô của Mỹ tăng lên 79,78 USD/ thùng, cao nhất kể từ tháng 11-2014. Việc tăng giá dầu diễn ra trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu đang nóng lên từng ngày do nhu cầu cao và sự cạnh tranh về nguồn cung giữa châu Âu và Trung Quốc.
Tờ CNBC của Mỹ nhận định, khi mùa đông đang đến gần và OPEC quyết định tuân theo thỏa thuận về sản lượng, giá dầu có thể “tăng đột biến ngoài biểu đồ”. Giá dầu cao có thể làm tăng thêm những thách thức trong chuỗi cung ứng mà một số ngành công nghiệp đang phải đối mặt, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chỉ mới bắt đầu phục hồi.
Một số nhà phân tích cho rằng, giá dầu tăng vọt và khủng hoảng chuỗi cung ứng sẽ là mối đe dọa gây ra siêu lạm phát. Tác động này có thể dẫn đến sự mất giá của đồng USD và giá dầu có thể vượt quá 180 USD/thùng vào năm 2022. Các ngân hàng trung ương ở một số nền kinh tế phát triển đang cảnh giác vì lạm phát gia tăng khiến giá lương thực và chi phí vận chuyển tăng mạnh. Theo các chuyên gia kinh tế Ấn Độ, giá dầu trên 75 USD/thùng sẽ gây tổn hại cho Ấn Độ, một trong những nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Trong khi chính quyền các bang của Ấn Độ chống lại việc giảm thuế đánh vào xăng và dầu diesel, việc giá dầu thô tăng nhanh khiến họ phải xem xét lại.
Báo cáo gần đây của Goldman Sachs – một trong những ngân hàng có ảnh hưởng nhất trên thị trường hàng hóa, cho thấy, dầu thô có thể vượt qua 90 USD/thùng trong tháng 12. Báo cáo nhận định, thâm hụt cung – cầu thị trường dầu toàn cầu hiện nay lớn hơn dự kiến bởi nhu cầu phục hồi đang tăng nhanh hơn so với dự đoán nguồn cung. Trong một kịch bản như vậy, gánh nặng giá nhiên liệu đối với người dân sẽ tăng cao. Điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến tâm lý và nhu cầu của người tiêu dùng – hai động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Người dân Canada đã chứng kiến giá xăng dầu tăng vọt trong những tháng mùa hè và cũng có thể phải đối mặt với chi phí sưởi ấm tăng trong mùa đông này do giá khí đốt tự nhiên cao hơn.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, vào tháng 7-2021, kinh tế toàn cầu đã bắt đầu phục hồi mạnh mẽ và dự kiến tăng 6% trong năm nay. Trước dự báo này, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã nêu ra những lo ngại về giá dầu khi ông có cuộc gặp với các quan chức thành viên quan trọng của OPEC hồi đầu tuần. Ông J.Sullivan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo điều kiện để hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu. Còn người đứng đầu thị trường dầu mỏ tại Rystad Energy Bjornar Tonhaugen cho biết: “Các quốc gia sản xuất dầu, cụ thể là OPEC cần hết sức thận trọng, không để giá dầu tăng quá cao, nếu không thế giới sẽ vấp phải những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế sau đại dịch”.
Theo kế hoạch, OPEC sẽ có cuộc họp vào đầu tháng 11 tới để bàn về giải pháp nhằm hạn chế tình trạng giá dầu tăng, gây bất lợi đối với nền kinh tế toàn cầu.
Nguồn tin: Hà nội mới
Trả lời