CNBC ngày 12/10/2021 có bài phân tích cho rằng giá năng lượng tăng cao làm gia tăng rủi ro đối với sự phục hồi kinh tế và tăng trưởng có thể chậm hơn dự báo. Tình trạng thiếu năng lượng và nhu cầu cao làm cho triển vọng giá năng lượng trên toàn cầu trở nên không ổn định. Một mùa đông lạnh giá hơn cũng có thể làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Các nhà kinh tế nói rằng việc tăng giá năng lượng hiện nay vẫn còn xa với loại “cú sốc dầu mỏ” có thể gây ra suy thoái, nhưng xu hướng này là đáng lo ngại và việc giá cả tăng cao hơn nhiều có thể khiến người tiêu dùng thận trọng và chi tiêu chậm lại, có thể là lực cản đối với tăng trưởng trong Quý IV.
Giá năng lượng tăng cao gây sức ép lên nền kinh tế nhưng chưa dẫn đến nguy cơ suy thoái
Giá năng lượng đang tăng cao và nền kinh tế đang cảm nhận áp lực của chi phí nhiên liệu ngày càng cao hơn khi cơn bão giá chưa có dấu hiệu dừng lại. Giá dầu, giá khí đốt và giá than đều cao hơn nhiều, kết hợp với sự tăng giá của các mặt hàng khác cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Giá dầu đã tăng hơn 65% trong năm nay, trong khi giá khí đốt tự nhiên đã tăng hơn 112% kể từ tháng Giêng. Tính từ tháng 10/2020, giá xăng ở Mỹ đã tăng khoảng 1,10 USD/gallon và hiện ở mức 3,27 USD/gallon. Dự báo giá dầu 100 USD/thùng đang trở nên phổ biến hơn, khi giá dầu kỳ hạn của WTI giao dịch trên 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014.
Kho dự trữ dầu của Mỹ ở Cushing, Oklahoma. Ảnh: Tư liệu/Reuters. |
Cơn bão khan hiếm năng lượng và giá cả tăng cao đặt ra câu hỏi về việc liệu nền kinh tế có thể đi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hay một cuộc suy thoái hay không? Theo các nhà kinh tế, mức tăng giá nhiên liệu hiện nay có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại nhưng chưa dẫn tới nguy cơ suy thoái. Việc tăng giá dẫn đến chi phí năng lượng cao hơn, đặc biệt là ở những nơi như châu Âu, nơi giá khí đốt tự nhiên đã tăng chóng mặt. Tác động trước mắt của chi phí năng lượng cao hơn là lạm phát cao hơn, tạo ra lực cản đối với chi tiêu của người tiêu dùng. Đó không phải là chi phí nhỏ, nhưng cũng không phải là một cuộc suy thoái. Chi phí năng lượng cao hơn cũng có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng trong Quý IV. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra suy thoái do năng lượng gây ra vẫn ở mức thấp. Khả năng suy thoái tăng lên khi chi phí năng lượng ở mức 7% GDP toàn cầu và duy trì ở mức đó trong một khoảng thời gian hơn một năm. Tỷ trọng chi phí năng lượng hiện nay cao nhất trong gần một thập kỷ, nhưng tính trên cơ sở hàng năm, mới ở mức 5,2% GDP năm 2021 và chưa phải là mức nguy hiểm. Nhiều nhà kinh tế vẫn kỳ vọng một nền kinh tế toàn cầu tương đối mạnh trong năm tới.
Đường ống dẫn khí đốt ở châu Âu. Ảnh: Tư liệu. |
Những rắc rối trong thị trường năng lượng
Daniel Yergin, Phó Chủ tịch IHS Markit, cho biết điều khác biệt là tại các cuộc khủng hoảng năng lượng trước đây, dầu tăng giá dẫn đến khủng hoảng, nhưng lần này, khí đốt tự nhiên, than đá và năng lượng tái tạo tăng giá trước, dầu tăng giá sau. Dầu đang được đổ đầy các kho chứa để bù đắp cho việc khí tự nhiên hóa lòng cạn kiệt, gió không đủ công suất để tạo năng lượng. Yergin cho biết dầu có thể sẽ tiếp tục chịu áp lực và trong vài tháng tới, 600.000 đến 800.000 thùng dầu/ngày có thể được sử dụng thay thế cho khí đốt tự nhiên ở châu Âu và châu Á, nơi nguồn cung đang thiếu hụt. Dầu có thể được thay thế cho khí đốt để sản xuất điện và trong một số ngành sản xuất khác. Citigroup dự báo một cú sốc giá vào mùa đông có thể khiến giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu lên mức trung bình 30 USD trên một triệu đơn vị nhiệt của Anh (mmBtu) trong Quý IV và trên 32 USD/ mmBtu ở châu Á. Nếu có một mùa đông quá lạnh giá, giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng vọt lên tới 100 USD/mmBtu, tương đương 580 USD/thùng dầu.
Một nhà máy nhiệt điện ở Nam Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Tư liệu/CNN. |
Giá than tăng và nguồn cung thiếu hụt cũng tạo ra tình trạng khan hiếm nguồn cung điện ở Trung Quốc. Trung Quốc sử dụng than để sản xuất điện, nhưng lượng hàng tồn kho tại các nhà máy điện của Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong 10 năm qua. Thực tế này cũng làm tăng nhu cầu về khí đốt tự nhiên.
Mỹ với tư cách nhà sản xuất năng lượng lớn
Những thay đổi trong ngành năng lượng Mỹ trong hai thập kỷ qua đã tạo cho Mỹ một vùng đệm bảo vệ trước cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu hiện nay. Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, cho biết tác động của việc tăng giá năng lượng toàn cầu sẽ không hoàn toàn tiêu cực đối với Mỹ vì Mỹ là một nhà sản xuất năng lượng lớn. Theo dữ liệu hàng tuần mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Mỹ sản xuất khoảng 11,3 triệu thùng dầu mỗi ngày, xuất khẩu dầu và các sản phẩm tinh chế. Mỹ cũng là nhà nhập khẩu dầu thô, trong vòng 4 tuần qua nhập khẩu trung bình 3,8 triệu thùng dầu/ngày. Mỹ đang cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu và châu Á, dưới hình thức xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG, nhưng giá khí đốt của Mỹ gắn với thị trường nội địa nhiều hơn và giá tăng cao do nguồn cung của Mỹ thấp hơn mức bình thường vào thời điểm này trong năm. Hợp đồng khí đốt tự nhiên của Mỹ hiện đang giao dịch ở mức 5,25 USD/mmBtu, nhưng vẫn là một khoảng cách xa so với giá khí đốt ở châu Âu./.
Nguồn tin: PetroTimes
Trả lời