Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương vừa tăng giá bán lẻ xăng dầu hôm nay (13/6). Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 880 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 800 đồng/lít.
Liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương vừa điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh hôm nay (13/6). Thời gian áp dụng là từ 15h.
Cụ thể, giá xăng E5RON92 tăng thêm 880 đồng/lít, từ mức 30.230 đồng/lít lên mức 31.110 đồng/lít.
Xăng RON95-III tăng 800 đồng/lít, từ mức 31.570 đồng/lít lên mức 32.270 đồng/lít.
Dầu diesel tăng 2.630 đồng/lít, từ mức giá hiện nay 26.390 đồng/lít lên mức 29.020 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 2.490 đồng/lít, từ mức 25.340 đồng/lít tăng lên mức 27.830 đồng/lít. Dầu mazut giảm 550 đồng/ký, từ mức 20.900 đồng/ký xuống còn 20.350 đồng/ký.
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương – Tài chính, giá xăng bán lẻ trong nước lập kỷ lục mới: xăng E5 RON 92 là 31.110 đồng/lít; RON 95 vượt 32.000 đồng, lên mức 32.370 đồng/lít.
Trong lần điều chỉnh này, cơ quan điều hành dừng trích lập quỹ bình ổn với nhiều mặt hàng, chỉ trừ dầu mazut, còn lại đều “xả quỹ” như trước, với 100 đồng/lít với xăng E5RON92 và 200 đồng/lít với xăng RON95, 400 đồng/lít với dầu diesel và 300 đồng/lít với dầu hỏa.
Dữ liệu Bộ Công Thương cho thấy, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 01/6/2022 và kỳ điều hành ngày 13/6/2022 là: 149,287 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 5,272 USD/thùng, tương đương tăng 3,66% so với kỳ trước); 154,745 USD/thùng xăng RON95 (tăng 2,798 USD/thùng, tương đương tăng 1,84% so với kỳ trước; 162,946 USD/thùng dầu hỏa (tăng 18,261 USD/thùng, tương đương tăng 12,62% so với kỳ trước); 166,591 USD/thùng dầu điêzen (tăng 19,628 USD/thùng, tương đương tăng 13,36% so với kỳ trước); 635,931 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 20,367 USD/tấn, tương đương giảm 3,09% so với kỳ trước).
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 13/6/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 116,27 USD/thùng, giảm 1,85 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 119,63 USD/thùng, giảm 2,38 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu ngày 13/6 lao dốc mạnh chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu giảm. Không chỉ ở tại Trung Quốc do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà ở hầu hết các nền kinh tế khi các dữ liệu thống kê đều cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang giảm tốc.
Giá dầu tuần trước đã liên tục trượt dốc vào các phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Tuy nhiên, mức trượt này không đủ để kéo giá dầu của cả tuần giảm. Thay vào đó, giá dầu Brent và WTI đã có thêm 1 tuần leo dốc. Theo đó, Brent tăng tuần thứ 4 liên tiếp và WTI tăng tuần thứ 7 liên tiếp.
Chốt tuần giao dịch vừa qua, giá dầu ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2022 đứng ở mức 118,09 USD/thùng, giảm 1,06 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 121,77 USD/thùng, giảm 1,30 USD/thùng trong phiên.
Bộ Công Thương cũng phân tích, thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá vừa qua tiếp tục có biến động mạnh. Nhu cầu xăng dầu được kỳ vọng tăng thêm khi các hoạt động sản xuất kinh doanh tại các nước trên thế giới tiếp tục hồi phục sau dịch bệnh, đặc biệt là sau khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Trong khi đó, nguồn cung cho thị trường bị cản trở bởi việc thống nhất trong liên minh châu Âu về việc tiếp tục gia tăng trừng phạt lên mức 90% sản lượng xăng dầu từ Nga; tồn kho dầu tại Mỹ vẫn ở mức thấp; OPEC gia tăng sản lượng nhưng ở mức thấp, không đủ bù đắp nguồn cung giảm từ Nga. Giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trong hơn 10 ngày qua đã tăng mạnh, nhất là các mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa.
Thị trường năng lượng được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với mức giá cao trong thời gian tới, ít nhất là trong ngắn hạn. Theo dự đoán của Sankey Research, giá dầu Brent có thể nằm trong khoảng 110-150 USD/thùng trong mùa hè năm nay hoặc lâu hơn. Theo Goldman Sachs, giá dầu Brent chuẩn quốc tế có thể đạt khoảng 125 USD/thùng trong nửa cuối năm.
Nguồn tin: Công thương
Trả lời