Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu của Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Theo quy hoạch này thì mức dự trữ xăng, dầu quốc gia sẽ được nâng lên khoảng 80 ngày nhập ròng. Để đạt được mục tiêu này, nhiều giải pháp đang được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng các bộ, ngành có liên quan triển khai.
Theo quy định hiện nay, cơ cấu dự trữ xăng dầu của Việt Nam đến từ 3 nguồn là: Dự trữ thương mại tại các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối, các thương nhân phân phối; dự trữ sản xuất tại hai nhà máy lọc dầu và dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, mức dự trữ quốc gia đối với sản phẩm xăng dầu hiện chỉ đạt khoảng 7 ngày nhập ròng. Do vậy, để đảm bảo đến năm 2030 sẽ nâng mức dự trữ lên gấp 10 lần so với hiện nay, thì việc đầu tiên cần làm là đầu tư hạ tầng, nâng sức chứa.
Đến năm 2030, nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia sẽ đạt từ 70 đến 80 ngày và sẽ đạt trên 90 ngày sau giai đoạn này. Tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu này thì nguồn vốn để mở rộng hạ tầng đang là thách thức đặt ra đối với mỗi doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu của Nhà nước, nên Bộ Công Thương vẫn đang tạm thời thuê các doanh nghiệp bảo quản với định mức chi trả là gần 15.000 đồng/m3. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết mức chi phí này được áp dụng suốt 20 năm qua chưa thay đổi là thấp.
“Đối với các doanh nghiệp có mong muốn là nhà nước cũng sớm có điều chỉnh liên quan đến định mức phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia, để làm sao tạo điều kiện cho các thương nhân đầu mối đảm bảo đủ bù đắp đủ chi phí, cũng như thực hiện các dự án đầu tư”, ông Trần Ngọc Năm,Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết.
Theo ông Lê Bá Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiêp, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 240 ngày 23/6/2023, Ủy ban đã có chỉ đạo người đại diện vốn tại Petrolimex thực hiện các nội dung về đảm bảo nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia theo đúng quy định.
Giai đoạn từ nay đến năm 2030, để đảm bảo hạ tầng phục vụ dự trữ quốc gia với sức chứa 500.000 – 1 triệu m3 sản phẩm xăng, dầu và 1 – 2 triệu tấn dầu thô thì theo ước tính tổng vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dự trữ sẽ cần tới 270.000 tỉ đồng.
Trả lời