Bùng nổ sở hữu xe cá nhân trong những thập niên tới sẽ giúp nhu cầu dầu tiếp tục tăng trưởng mặc dù xe điện sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trên các đường xá, theo Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Xe cộ lưu thông trên một xa lộ ở Bắc Kinh. OPEC cho rằng bùng nổ sở hữu xe cá nhân ở các nước đang phát triển sẽ giúp nhu cầu dầu toàn cầu tiếp tục tăng. Ảnh: AFP
Xe động cơ đốt trong chưa hết thời
Hãng tin AFP đưa tin ngày 7-11, OPEC công bố báo cáo Triển vọng dầu thế giới năm 2040, trong đó nhận định quy mô của nền kinh tế toàn cầu vào năm 2040 sẽ tăng 226% so với mức năm 2016.
Theo báo cáo, các nước đang phát triển sẽ chiếm 3/4 mức tăng trưởng này và đây là lý do khiến nhu cầu sở hữu xe cá nhân tăng trưởng bùng nổ. OPEC dự báo tốc độ tăng trưởng sở hữu xe cá nhân ở các nước đang phát triển sẽ vượt trội so với tốc độ phổ cập xe điện trong hai thập niên tới.
OPEC cho rằng dù xe điện ngày càng phổ biến, chúng vẫn chưa thể loại bỏ xe động cơ đốt trong truyền thống. OPEC ghi nhận các tiến bộ nhanh chóng của công nghệ đã giúp xe điện trở thành sự lựa chọn thay thế khả thi cho xe cá nhân động cơ đốt trong.
Tuy nhiên, OPEC cũng lưu ý các cải tiến về động cơ đốt trong cũng giúp xe truyền thống ngày càng tiết kiệm nhiên liệu hơn. OPEC cho rằng người dân ở các nước đang phát triển vẫn chuộng xe động cơ xăng vì tính tiết kiệm kinh tế của chúng. Trong khi đó, động cơ diesel vẫn được sử dụng rộng rãi trong các dòng xe thương mại (xe khách, xe tải..).
“Nhờ tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, tốc độ tăng trưởng dân số nhanh cùng với tiềm tăng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, nhu câu dầu ở các nước đang phát triển sẽ tiếp tục tăng”, báo cáo của OPEC nhận định.
OPEC dự báo lượng xe truyền thống tăng thêm ở các nước đang phát triển sẽ đóng góp cho nhu cầu dầu toàn cầu thêm 12,2 triệu thùng/ngày vào năm 2040. Trong khi đó, tại các nước phát triển, nhu cầu tiêu thụ dầu trong ngành ô tô sẽ giảm 7,2 triệu thùng/ngày do các quy định siết chặt quản lý khí thải carbon và sự phổ cập nhanh chóng của xe điện.
Diesel vẫn còn đất sống
Báo cáo của OPEC không cho rằng tương lai dầu diesel sắp đến hồi kết dù vụ bê bối gian lận khí thải dầu diesel của hãng xe Volkswagen vào năm 2015 hay còn gọi “dieselgate” đã tác động nặng nề đối với nhu cầu xe động cơ diesel.
“Vụ bê bối gian lận khí thải dầu diesel cùng với các hậu quả của nó cộng với việc sự phổ cập xe điện nhanh hơn dự kiến dẫn đến các dự báo nhu cầu diesel tăng trưởng chậm hơn”, báo cáo của OPEC nhận định.
Tuy nhiên, OPEC tin rằng các giải pháp công nghệ sẽ cho phép các nhà sản xuất động cơ diesel tuân thủ tốt hơn các quy định nghiêm ngặt về khí thải. Các động cơ diesel tân tiến vẫn có tính tiết kiệm tốt hơn và xe thương mại chạy bằng động cơ đốt trong vẫn có giá bán rẻ hơn nhiều so với xe điện, theo OPEC. Xe điện có thể có trọng lượng nặng thêm 500kg so với xe truyền thống và điều này khiến mức tiêu tốn năng lượng tăng theo.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ diesel của các tàu vận tải biển sẽ tăng từ mức 0,8 triệu thùng/ngày trong năm 2016 lên 1,7 triệu thùng/ngày vào năm 2040. OPEC dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng lên mức 111,1 triệu thùng ngày vào năm 2040, so với mức 95,4 triệu thùng/ngày vào năm 2015.
Tuy nhiên, trong kịch bản kém lạc quan nếu xe điện được phổ cập nhanh chóng hơn dự kiến, OPEC cho rằng nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh ở mức 108,6 triệu thùng/ngày ở một thời điểm nào đó trong giai đoạn 2035-2040.
Theo OPEC, dầu khí sẽ chiếm gần 52% sản lượng năng lượng toàn cầu vào năm 2040 dù các nguồn năng lượng tái tạo tăng trưởng nhanh chóng. OPEC dự báo nhu cầu than toàn cầu sẽ đạt đỉnh trong giai đoạn 2030-2035. Đến năm 2040, than sẽ chiếm 23% sản lượng năng lượng toàn cầu giảm so với mức 28% của năm 2015.
Năm 2025, sản lượng dầu đá phiến đạt đỉnh
Báo cáo Triển vọng dầu thế giới năm 2040 của OPEC dự báo trong ngắn hạn nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng lên mức 102,3 triệu thùng/ngày vào năm 2022 so với mức 95,4 triệu thùng/ngày trong năm 2016.
Theo báo cáo, nguồn cung dầu bên ngoài OPEC sẽ tăng từ mức 57 triệu thùng/ngày vào năm 2016 lên mức 62 triệu thùng/ngày vào năm 2022. 75% mức tăng trưởng này, tương đương 3,8 triệu thùng/ngày, sẽ đến từ Mỹ, chủ yếu nhờ sản lượng tăng nhanh ở các mỏ dầu đá phiến.
Tuy nhiên, OPEC cho rằng sản lượng dầu đá phiến ở Mỹ và những nơi khác như Canada, Nga và Argentina sẽ đạt đỉnh vào năm 2025 khi trữ lượng dầu đá phiến ở những khu vực dễ khai thác với chi phí thấp dần giảm xuống. Đó cũng chấm dứt đà tăng trưởng sản lượng dầu yếu kéo dài nhiều năm của OPEC. Sản lượng dầu của OPEC được dự báo tăng lên 41,4 triệu thùng/ngày vào năm 2040 so với mức chỉ 33 triệu thùng/ngày hiện nay.
Nguồn tin: thesaigontime.vn
Trả lời