Thị trường dầu thế giới tăng trưởng tích cực trong năm 2017 và có dấu hiệu tăng nóng trong những ngày đầu năm nay. Đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này và có thể kỳ vọng gì ở thị trường “vàng đen” trong giai đoạn kế tiếp?
Ảnh minh họa
Vượt đỉnh cao 3 năm
Giá các hợp đồng tương lai dầu Brent trong tuần qua đã vượt mốc 70 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI cũng tiếp cận mốc 65 USD/ thùng và lên đỉnh cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Thống kê cho thấy chỉ trong 2 tuần đầu năm mới này, giá dầu Brent đã tăng gần 5%, trong khi giá dầu WTI còn vượt trội hơn khi tăng gần 7%.
Sau khi chạm đáy vào tháng 2/2016, thị trường dầu thế giới đã phục hồi. Cụ thể trong năm 2016, giá dầu Brent đã tăng trở lại hơn 50% và năm 2017 tiếp tục đi lên gần 18%. Giá dầu WTI cũng tăng đến 43% trong năm 2016 trước khi tăng thêm gần 13% trong năm 2017. So với các tài sản đầu tư truyền thống như vàng hay một số loại hàng hóa khác thì sự tăng trưởng của giá dầu trong 2 năm trở lại đây đã giúp tài sản này trở thành một trong những kênh sinh lợi tốt nhất.
Sự tăng trưởng của giá dầu thời gian qua phần lớn được hỗ trợ bởi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Vào tháng 11 năm ngoái, các nước trong nhóm này cùng với Nga và một số nước sản xuất dầu khác đã nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng cho đến hết năm 2018. Động thái này được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá dầu trong dài hạn.
Trong khi đó, yếu tố ngắn hạn thúc đẩy giá dầu tăng cao trong những ngày đầu năm này đến từ thông tin dự trữ dầu thô tại Mỹ và sản lượng nội địa (Mỹ) tiếp tục suy yếu trong tuần qua. Cụ thể theo cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EID) thì dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 4,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 5/1/2018, đánh dấu tuần thứ 8 sụt giảm liên tiếp với tổng mức giảm lên đến 39,4 triệu thùng, gần gấp đôi so với mức giảm bình quân 5 năm. EIA còn cho biết tổng sản lượng dầu thô nội đia chỉ còn 9,49 triệu thùng/ngày, giảm 290.000 thùng/ngày.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang chờ đợi quyết định của Chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc liệu có gia hạn tạm thời động thái miễn các lệnh trừng phạt lên Iran hay không.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ xem xét lại việc miễn hay áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Iran trong tuần này – một quyết định có ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu dầu của Iran.
Dự báo 2018
Với đà tăng trưởng mạnh gần đây thì giá dầu hiện nay đã vượt xa mức dự báo của hầu hết các tổ chức đưa ra vào cuối năm 2017. Báo cáo của Goldman Sachs gần đây đã nâng dự báo giá dầu Brent năm 2018 thêm 7%, lên mức 62 USD/thùng, trên cơ sở cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC và đối tác.
Trong khi đó, Citigroup và Barclays giữ nguyên dự báo mức giá trung bình của dầu Brent trong năm 2018 tương ứng là 55 USD/thùng và 54 USD/thùng, ngang với mức giá trung bình của dầu Brent trong năm 2017.
Nhu cầu dầu mỏ có thể sẽ tăng mạnh trong năm nay khi kinh tế toàn cầu phục hồi và tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong khi một loạt gián đoạn có thể khiến nguồn cung bị sụt giảm sâu ở những nơi như Venezuela, Iraq, Iran, Libya hay Nigeria cùng với thỏa thuận gia hạn cắt giảm sản lượng của OPEC, thì không loại trừ khả năng cung cầu trên thị trường dầu mỏ có thể mất cân đối và tiếp tục đẩy giá dầu đi lên.
Nguồn cung từ dầu đá phiến vốn đã gây áp lực lên đà sụt giảm của thị trường dầu trong giai đoạn 2014 – 2015, thì được dự báo sẽ ổn định chứ không tăng nóng như trước đây. Thông tin gần đây cho thấy các giám đốc điều hành công ty dầu đá phiến đã cam kết với cổ đông rằng họ sẽ thận trọng vào khoảng thời gian này, tránh việc khoan khai thác quá nhiều vì như vậy thường dẫn đến mức độ nợ cao hơn và cuối cùng là làm giảm giá dầu.
Được biết trong năm 2017 các công ty này cũng nhiều lần khẳng định rằng họ sẽ không trở lại với lập trường khai thác liên tục ngay cả khi giá dầu tăng, nhất là khi chi phí sản xuất ngày càng gia tăng. Đặc biệt với chính sách thắt chặt tiền tệ của FED và lãi suất không ngừng tăng lên sẽ khiến chi phí vay tăng thêm, nên các công ty dầu đá phiến cũng không dại dột gì vay mượn để khoan khai thác tràn lan và hệ quả là có thể kéo giá dầu giảm trở lại.
Do đó, đà tăng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ trong năm tới có thể tiếp tục ổn định hoặc thậm chí giảm, từ đó giúp hỗ trợ giá dầu tiếp tục lên cao. Tuy nhiên, dù triển vọng dài hạn là vẫn rất tích cực nhưng đà tăng nóng của giá dầu gần đây là khá rõ ràng, do đó một nhịp điều chỉnh vẫn có thể sớm trở lại trong thời gian tới.
Nguồn tin: tapchitaichinh.vn
Trả lời